Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Về phạm vi các khoản nợ được cơ cấu, trước đó đã có nhiều đề nghị NHNN xem xét mở rộng phạm vi áp dụng đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
NHNN cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về các hình thức tín dụng khác bao gồm chiết khấu, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, TPDN… đều không có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Cụ thể, đối với hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN cho biết quyền thay đổi thời hạn thanh toán gốc hoặc lãi TPDN không phải do TCTD, chi nhánh NHNN quyết định mà do doanh nghiệp phát hành quyết định.
Đồng thời, việc thay đổi thời hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu phải phụ thuộc vào các điều kiện, điều khoản của từng loại trái phiếu khi phát hành, phải tuân thủ Nghị định 163 của Chính phủ và các văn bản liên quan. Vì vậy, việc cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với TPDN là không phù hợp.
Cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp nóng hơn bao giờ hết trong ba năm trở lại đây, khi các khách hàng cá nhân với nguồn vốn dồi dào quyết định chuyển dịch sang kênh trái phiếu doanh nghiệp với lợi suất cao bất chấp rủi ro, đã giúp nhiều doanh nghiệp huy động được hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Sau giai đoạn ảm đạm của qúy I/2020, thị trường trái phiếu đã nhộn nhịp trở lại. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm về phòng chống dịch Covid-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 4 vừa qua, các ngân hàng đã huy động hơn 14.400 tỷ đồng từ trái phiếu, tăng mạnh so với mức 940 tỷ đồng trong 3 tháng trước đó.
Nhóm ngân hàng đã quay trở lại “đường đua” trái phiếu trong tháng 4. Báo cáo mới đây của Sở GDCK Hà Nội cho thấy các ngân hàng đã huy động hơn 14.400 tỷ đồng với kỳ hạn bình quân 4,4 năm. Con số này tăng mạnh so với mức 940 tỉ đồng phát hành trong cả quí I.
Theo đó, ngân hàng chiếm 47,83% tỷ trọng phát hành, tăng vọt so với tỷ trọng 2,3% trong qúy I. Xếp tiếp theo sau là lĩnh vực bất động sản (tổng giá trị phát hành gần 9.650 tỉ đồng chiếm 32,04%).
Điển hình trong số này là BIDV với 9 đợt phát hành, huy động hơn 5.900 tỉ đồng, tiếp theo là VIB 2 đợt phát hành, huy động 2.000 tỉ đồng, hay HDBank (1.700 tỉ đồng); VPBank (1.200 tỉ đồng); SHB và MaritimeBank (đều huy động 1.000 tỉ đồng).
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ còn cách huy động vốn qua kênh trái phiếu, nên vẫn buộc phải chấp nhận lãi suất cao, nhất là đối với nhóm bất động sản, khi các ngân hàng hiện nay đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo quy định của NHNN.
Đối với nhà đầu tư, trước xu hướng lãi suất tiền gửi giảm mạnh trong thời gian gần đây, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất vẫn cao như hiện nay có thể là thương vụ hấp dẫn, tuy nhiên rủi ro sẽ luôn chực chờ, nhất là đối với những trái phiếu không có tài sản bảo đảm.