Sửa đổi nhiều quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Sẽ hết cảnh "tay không bắt giặc"?

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau khi có những cảnh báo về những rủi ro của kênh huy động vốn “mới nổi” này.
Sửa đổi nhiều quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Sẽ hết cảnh "tay không bắt giặc"?

Trong báo cáo tổng quan mới đây, Bộ Tài chính nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước phát triển mạnh mẽ, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng "nóng". Bước phát triển này giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế, giảm thiểu lệ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là những rủi ro đã được Bộ Tài chính cảnh báo. Dẫn số liệu thống kê của Sở GDCK Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành).

Trong số vượt quá trên có 11 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt tới 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định 163.

Cụ thể, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.

Bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành như sau: Nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Đối với lãi suất vay vốn: Bộ Tài chính cho biết, Luật Dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 468), quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% năm; pháp luật về thuế cũng có quy định về mức chi phí lãi vay hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Căn cứ vào các quy định trên, nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp  khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Tài chính cũng tính toán thêm một số điểm quy định khác để tăng cường an toàn ở thị trường này, bảo vệ nhà đầu tư.

Hiện nay đã có quy định về hoạt động của tổ chức tư vấn phát hành đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ, nhưng lại chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức này đối với phương án phát hành và quá trình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Đồng thời hiện cũng chưa có cơ chế quản lý, đối với các tổ chức này để quản lý giám sát thị trường TPDN, bảo vệ nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai cho thấy doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều ký kết hợp đồng với tổ chức tư vấn phát hành (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) để xây dựng phương án phát hành và rà soát hồ sơ phát hành, nhưng chưa có quy định về sự ràng buộc trách nhiệm giữa tổ chức tư vấn với doanh nghiệp trong quá trình phát hành trái phiếu.

Để chuẩn hóa việc phát hành TPDN, gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành với việc phát hành TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính định hướng bổ sung điều kiện doanh nghiệp phải có tổ chức tư vấn phát hành là công ty chứng khoán và bổ sung quy định khi các tổ chức tư vấn cung cấp dịch vụ thì chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...