Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong mùa dịch

Trước tình trạng các doanh nghiệp bất động sản chấp nhận phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao khiến các chuyên gia đang lo ngại về khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của doanh nghiệp.
Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong mùa dịch

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, trong quý I/2020, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong qúy I là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng.

“Trong quý vừa qua, đã có có 33 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái”- báo cáo của SSI nêu rõ.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu là điều hiển nhiên khi họ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

Trước sự chênh lệch lớn về lãi suất giữa trái phiếu và tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đang hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, theo SSI, các nhà đầu tư nên cẩn trọng bởi những rủi ro có thể xảy ra khi các cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa các thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường tài chính đang bị tác động mạnh mẽ trong giai đoạn này, trong khi đó, dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát và nguy cơ tác động mạnh đền nền kinh tế là không tránh khỏi.

Chính sách cách ly xã hội đang làm cho nền kinh tế có dấu hiệu “đóng băng”, ngay cả đối với thị trường bất động sản, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nhóm ngành này cũng đang rất khó khăn.

“Nguồn vốn cần thiết để nuôi sống các dự án đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản đang là rất lớn nhưng lại bị siết chặt bởi ngân hàng do lo ngại nguy co nợ xấu. Do đó, họ huy động qua sản phẩm trái phiếu với lãi suất cao”, ông Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, dấu hiệu này đang cảnh báo sự bất ổn của thị trường khi doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi suất cao. Nguy cơ vỡ trận có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm