Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), cho biết, các yếu tố dẫn tới thu thuế xuất nhập khẩu từ xăng dầu giảm gồm: xuất khẩu dầu thô giảm mạnh do dự toán giá dầu năm 2016 là 60 USD/thùng, song thực tế giá dầu trung bình chỉ ở mức 45 USD/thùng trong 10 tháng đầu năm.
Hơn nữa, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu chuyển hướng sang nhập ở các thị trường có ký kết hiệp định hợp tác để được ưu đãi.
Cụ thể, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chịu thuế 10% trong khi xăng nhập từ ASEAN vẫn có thuế 20% nên DN xăng dầu ùn ùn sang nhập xăng từ Hàn Quốc.
Cụ thể, 10 tháng năm 2016 số lượng xăng nhập từ Hàn Quốc lên đến 1,25 triệu tấn trong khi đó 10 tháng 2015 DN chỉ nhập từ thị trường này có 185 nghìn tấn. Như vậy, lượng xăng nhập từ Hàn đã tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Với lượng xăng nhập tăng mạnh, tỷ lệ xăng nhập từ Hàn Quốc chiếm tới 67% tổng lượng xăng nhập khẩu, trong khi năm 2015 chỉ chiếm có 10%.
Nguyên nhân khiến lượng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh do thuế nhập khẩu từ đầu 2016 giảm còn 10%, chỉ bằng một nửa so với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN hay các nước Ả rập.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (trung bình các thị trường) để tính giá cơ sở xăng dầu bán trong nước hiện vẫn là 16,22%.
Điều đó có nghĩa, nếu DN nào có nguồn hàng nhập nhiều từ Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi lớn từ phần chênh lệch thuế là 6,22%.
Theo Tổng cục Hải quan, dù nhập khẩu ở Singapore quãng đường gần hơn nhưng doanh nghiệp tính toán rất cụ thể để có lợi nhất nên chuyển hướng sang nhập xăng tại Hàn Quốc, khiến thu thuế giảm khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ngoài các Hiệp định thương mại ký kết, trong năm 2017, 2018, dự kiến 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất sẽ đi vào hoạt động dần dần hết công suất, dẫn tới số thu thuế từ xăng dầu sẽ về 0% thay vì chiếm 15-16% tổng thu thuế xuất nhập khẩu như hiện nay.