Nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Để cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các Bộ đang tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nhiều lĩnh v
Nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý.

Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm với nhiều chỉ đao quyết liệt. Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành rà soát các điều kiện kinh doanh, yêu cầu cắt giảm 50% trong tổng số 5.905 điều kiện hiện hành.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 6/2018, có khoảng 11 bộ đã đưa ra được phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh hiện có thuộc phạm vi quản lý. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng và sửa đổi các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP.

Trong khi đó, Bộ GTVT xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa; dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Bộ GTVT cũng đã chính thức trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Còn  Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông, trong đó có quy định về điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể là trong kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ bưu chính, hoạt động của nhà xuất bản, hoạt động in…

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo niềm tin, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa công nghệ lạc hậu, chất lượng kém vào Việt Nam; khẩn trương phân loại, giải tỏa, thanh tra, chấn chỉnh việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm