Trong đó, một nội dung được đề cập tới trong nghị quyết là việc công ty đã hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản. Các con số, chỉ tiêu kinh doanh cụ thể đều không được công bố.
Năm nay, công ty tiếp tục duy trì cho thuê kho lạnh, gia công hàng thủy sản cho khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng mới. Điều này giúp công ty có doanh thu để duy trì trả lương cho nhân viên và bảo dưỡng máy móc, thiết bị,... Bên cạnh đó, Cadovimex sẽ tìm kiến nhà đầu tư nhằm thực hiện phương án tái cấu trúc công ty.
Về vấn đề nhân sự, Hội đồng quản trị (HĐQT) Cadovimex bầu bổ sung thêm ông Sầm Minh Đức làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời bầu ông Châu Long, Đoàn Kim Thanh vào Ban kiểm soát.
Theo thông tin tại nghị quyết, Cadovimex từng là một trong những doanh nghiệp thủy sản có uy tín trong ngành, nhưng với nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện đang giai đoạn xuống dốc. Công ty đã trải qua nhiều giai đoạn thay đổi lãnh đạo khác nhau nhưng vẫn không thể vực dậy được hoạt động sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều khó khăn từ những năm trước để lại.
Năm 2015, doanh thu của Cadovimex tụt dốc từ 480 tỷ đồng về 196 tỷ đồng sau một năm. Lợi nhuận sau thuế thu về chưa tới 400 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2021, công ty đều thua lỗ, với số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 là 1.355 tỷ đồng.
Đánh giá riêng về năm 2021, ban lãnh đạo cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn vay, tuy nhiên các tổ chức tín dụng đã dừng cho vay từ tháng 8/2015 khiến công ty không có vốn thu mua, sản xuất, chỉ hoạt động chủ yếu từ các dịch vụ cho thuê kho, thuế code và nhận hàng gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành nhằm duy trì để trả lương cho công nhân.
Bên cạnh đó, máy móc thiết bị phần lớn xảy ra hư hỏng, chưa có điều kiện nâng cấp sửa chữa nên rất khó để gia tăng năng suất. Tất cả cơ sở hạ tầng và máy móc đều được đem thế chấp ngân hàng để vay vốn từ năm 2009.
Ban lãnh đạo cũng trình bày về khó khăn thực tại như việc bị khách hàng chiếm dụng vốn dài hạn 150 tỷ đồng qua nhiều năm chưa thu hồi được.
Kết thúc nửa đầu năm 2022, tình hình kinh doanh của công ty thủy sản này vẫn chưa được khả quan. Doanh thu ghi nhận 11 tỷ đồng, tăng 41% song chi phí lớn, chủ yếu là chi phí lãi vay (47 tỷ đồng) khiến công tiếp tục báo lỗ thêm 53 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ lũy kế lên 1.441 tỷ tính đến 30/6/2022. Số lỗ lũy kế này đã khiến vốn chủ sở hữu âm tới 1.246 tỷ đồng.
Tại cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Cadovimex gần 20 tỷ đồng, trong đó tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Khoản phải thu cuối quý II còn hơn 7 tỷ do doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi là 198 tỷ đồng, phần lớn đến từ South China Seafood. Công ty cũng phải trích lập dự phòng toàn bộ giá trị hàng tồn kho hơn 40 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn tại cuối quý II/2022 là 1.265 tỷ, trong đó nợ đi vay từ các ngân hàng là 429 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn cần phải trả lãi vay ngân hàng số tiền hơn 777 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chưa tới 10 tỷ đồng, khiến vốn lưu động âm 1.255 tỷ đồng. Do đó, Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC tiếp tục đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Cadovimex.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CAD đang giao dịch trên UPCoM trong diện hạn chế giao dịch kể từ năm 2016 với mức giá 1.500 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kế phiên 11/10, giảm 93% so với mức 20.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm bắt đầu được giao dịch trên sàn từ năm 2009.