Lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2016 tiếp tục bị “bào mòn” vì nợ xấu tăng cao vượt hơn 6.800 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo hợp nhất quý 4/2016.
Theo đó, trong quý 4/2016, Vietcombank tiếp tục kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng cao. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 10% đạt 4.883 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 530 tỷ đồng (tăng 10,6%); lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng đột biến lên 283,9 tỷ đồng (tăng gấp 5,4 lần so cùng kỳ quý trước).
Nhưng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 44,6 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ cả năm lên 89 tỷ đồng. Còn thu nhập lãi từ hoạt động khác giảm hơn 110 tỷ đồng, xuống mức 782 tỷ đồng.
Quý 4 ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới 16%, đạt 4.088 tỷ đồng. Song do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 40% (chiếm tới 1.897 tỷ đồng) nên lãi ròng chỉ còn lại 1.767 tỷ đồng.Tính chung cả năm 2016, Vietcombank bị “mất” tới 6.410 tỷ đồng lợi nhuận cho việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Lũy kế cả năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.517 tỷ đồng, tăng 24% và lãi sau thuế còn 6.845 tỷ đồng. Chỉ số EPS được cải thiện, tăng 16% lên 1.897 đồng/CP. Như vậy ngân hàng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 7.500 tỷ đồng.
Về hoạt động tín dụng, đến cuối năm 2016, Vietcombank có tăng trưởng tín dụng ở mức cao 18,8%, dư nợ cho vay khách hàng đạt 460.808 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,84% hồi đầu năm xuống còn 1,48%, tương ứng 6.835 tỷ đồng nợ xấu.
Trong số này, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm tới 4.187 tỷ đồng, giảm hơn 1.410 tỷ đồng so với cuối năm trước. Song nợ nhóm 3 và 4 lại tăng đáng kể tổng cộng 1.101 tỷ đồng. Do đó về quy mô nợ xấu của Vietcombank chỉ giảm nhẹ so với năm trước, và hết năm, ngân hàng đang phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên tới 8.125 tỷ đồng (năm 2015 trích dự phòng 8.609 tỷ đồng). Việc trích lập dự phòng quá lớn khiến cho lợi nhuận của Vietcombank các năm vừa qua đều bị ảnh hưởng đáng kể theo xu hướng bị “bào mòn”.
Năm 2016, Vietcombank là nhà băng đầu tiên mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (đến cuối năm 2015 còn 3.564 tỷ đồng trái phiếu VAMC).
Tuy vậy, báo cáo cho thấy, ngân hàng đã phải dùng tới 4.174 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để xử lý bù đắp cho các khoản nợ xấu không còn khả năng thu hồi, mất vốn…
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của Vietcombank tăng 17% lên 788 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng tăng 17,7% lên mức 590 nghìn tỷ đồng.Vốn điều lệ tăng hơn 9.327 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank đang có hơn 8.022 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối…
Liên quan đến việc nộp cổ tức theo yêu cầu của Bộ Tài chính, báo cáo cho thấy Vietcombank đã nộp 2.665 tỷ đồng cổ tức của năm 2015 bằng tiền mặt.
Hiện, vốn Nhà nước tại Vietcombank còn chiếm 77,1% cổ phần, tương ứng 2.774 triệu cổ phần và là cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối ngân hàng.
Thu Hằng