Cuộc đua đưa người đại diện vào HĐQT Vinamilk đang “nóng” giữa các nhóm cổ đông SCIC và F&N, cổ đông ngoài…
Vinamilk dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 15/4 tới đây để xem xét thông qua nhiều vấn đề quan trọng, như: báo cáo kinh doanh 2016 và kế hoạch năm 2017, phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, bầu nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2017-2021…
Ngay trước thềm ĐHCĐ, một vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của thị trường là cuộc đua giành ghế trong HĐQT Vinamilk cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo công bố của Vinamilk, HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 sẽ bầu 9 thành viên, thay vì số lượng 6 người như trước đây. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có hai ứng viên là bà Đặng Thị Thu Hà (1973) hiện là Phó trưởng Ban Đầu tư 3 của SCIC và là Thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp do SCIC góp vốn như Nhựa Bình Minh, Vinacontrol, Thuốc ung thư Benovas; ông Nguyễn Hồng Hiển hiện là Phó Tổng Giám đốc SCIC, đang đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT của Traphaco, Viễn Thông FPT.
Người đại diện vốn của SCIC là ông Lê Song Lai ở nhiệm kỳ trước sẽ không tham gia nhiệm kỳ tới.
Cổ đông ngoại Fraser and Neave Limited (Công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd) sở hữu 17,88% vốn điều lệ Vinamilk đã cử hai người đại diện tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ tới gồm: ông Lee Meng Tat, Chủ tịch ban thực thi của nhóm và ông Michael Chye Hin Fah, Giám đốc phụ Fraser and Neave Limited. Ông Lee hiện giữ vị trí Giám đốc không điều hành tại Vinamilk.
Danh sách ứng viên vào HĐQT Vinamilk bất ngờ hé lộ thêm các cá nhân đáng chú ý. Theo đó, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch của CTCP Xây dựng Coteccons – là một trong số các nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam cũng ứng cử vào HĐQT Vinamilk. Ông Dương hiện còn là Chủ tịch của CTCP Xây dựng Unicons và Thành viên HDQT CTCP Xây dựng Ricons.
Gương mặt mới nữa là ông Đỗ Lê Hùng, Giám đốc kiểm toán và kiểm soát nội bộ Big C Việt Nam.
Trong khi đó, 5 ứng viên còn lại đều không đại diện cho nhóm cổ đông nào, gồm bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT và cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng HDbank. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk và ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Vinamilk.
Năm 2016, Vinamilk ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá cao, trong đó, doanh thu thuần tăng 16% đạt hơn 46.965 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 21%, đạt mốc 9.364 tỷ đồng.
Về thị phần, Vinamilk vẫn chiếm vị trí số 1 tại các mảng kinh doanh chủ chốt, gồm sữa nước (chiếm 54,5% thị phần), sữa chua ăn (chiếm 84,7%) và sữa chua uống (chiếm 33,9%). Năm 2016, Vinamilk chính thức được công nhận trang trại bò sữa hữu cơ (organic) đầu tiên tại Việt Nam.
Mới đây, Vinamilk đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác BPC tại nhà máy sữa Angkormilk mà trước đó công ty này nắm giữ 51% cổ phần, BPC nắm giữ 49% cổ phần. Dự án được cấp phép đầu tư từ tháng 1/2014, tọa lạc tại thủ đô Phnompenh với tổng diện tích 30.000m2. Năm 2016, nhà máy này đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 19 triệu lít sữa nước, 65 triệu hộp sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VNM có xu hướng tăng tích cực từ 130.00 đồng/CP hồi đầu tháng 3 lên mức hiện tại 142.000-144.000 đồng/CP, tức tăng hơn 10,7% trong vòng 1 tháng qua.
Hải Hà
>> VAFI: “Nhà nước sẽ mất 1 tỷ USD nếu bán Vinamilk nhiều đợt”