Nova Consumer mở màn IPO năm 2022, chào bán 10,9 triệu cổ phiếu

Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer vừa lên kế hoạch sẽ tiến hành chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu.
Nova Consumer mở màn IPO năm 2022, chào bán 10,9 triệu cổ phiếu

Như vậy, Nova Consumer chính thức trở thành đơn vị đầu tiên mở màn cho làn sóng IPO trong năm 2022. Sau khi IPO thành công, Nova Consumer sẽ tiến hành nộp hồ sơ niêm yết tại HoSE.

Số cổ phiếu này sẽ được chào bán thông qua đơn vị tư vấn là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Nhà đầu tư tham gia sẽ đặt mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu và tối đa là 5.444.000 cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc: Từ ngày 07/02/2022 đến ngày 28/02/2022. Kết quả đặt mua sẽ được công bố vào ngày 04/03/2022.

Tạm tính theo mức giá chào bán thì Nova Consumer có mức định giá pre-IPO vào khoảng hơn 4.700 tỷ đồng và định giá sau chào bán là 5.200 tỷ đồng (tương đương gần 220 triệu USD).

Theo kế hoạch, số tiền thu được sẽ mua lại phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm, 35 tỷ góp vốn mới vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc và phần còn lại bổ sung vốn lưu động.

Anova Pharma – một thành viên thuộc Nova Consumer, chuyên sản xuất sản phẩm thuốc thú y chất lượng đạt chuẩn WHO-GMP

Anova Pharma – một thành viên thuộc Nova Consumer, chuyên sản xuất sản phẩm thuốc thú y chất lượng đạt chuẩn WHO-GMP

Được biết, Nova Consumer là một trong những thành viên của hệ sinh thái NovaGroup, bên cạnh những thành viên trụ cột khác như Novaland, Nova Service… Xuất phát điểm là một công ty chuyên về các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2021, Nova Consumer đã xây dựng chiến lược đa dạng hóa ngành nghề, từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng, định hướng hoạt động theo mô hình 3F - từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm - Food).

Nguồn thu chính của Nova Consumer hiện gồm có mảng nông nghiệp: Thuốc thú y-vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại - nông trại và hàng tiêu dùng: Thực phẩm, thức uống và dinh dưỡng. Bản cáo bạch của Nova Consumer cho biết hiện công ty này đang giữ vị trí số một trong thị trường kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản.

Năm 2021, Nova Consumer đặt mục tiêu đạt 4.149 tỷ đồng doanh thu và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau 9 tháng, công ty đã đạt 2.664 tỷ doanh thu và 342 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hiện, chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín 3F của công ty được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai khi nhu cầu tiêu dùng thịt của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp và đang có nhu cầu tăng trưởng nhanh khi thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng cao.

Cụ thể, Chứng khoán SSI đánh giá lĩnh vực hoạt động của Nova Consumer có nhiều triển vọng trong thời gian tới. So với các nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ thịt trên đầu người ở Việt Nam còn thấp, khoảng 16,5 kg/người/năm so với quốc gia cao nhất trong khu vực là 57,5 kg/người/năm. Việt Nam là quốc gia đông dân với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân ngày một tăng sẽ góp phần tăng tiêu dùng thịt. Nhờ chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín và có khả năng truy xuất nguồn gốc, Nova Consumer có nhiều dư địa để phát triển mạnh thị trường trong lĩnh vực này.

Còn theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35% tổng chi phí). Việt Nam ước tính có khoảng 17 triệu hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam vào năm 2030 và được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 về số lượng người tiêu dùng và lớn thứ 5 về tổng chi tiêu ở Đông Nam Á vào năm 2030. Do vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B. Tốc độ tăng chi tiêu thực phẩm bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2024 đạt khoảng 11,3%.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành thực phẩm vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực 2 chữ số khi người dân ở cả thành thị và nông thôn tập trung dự trữ thực phẩm đóng gói và những thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm