Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nước biển miền Trung đã "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản, riêng cá biển đã an toàn hay chưa thì "cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế".Sáng nay 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt. (cập nhật)Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà nói Hội nghị hôm nay có nhiệm vụ quan trọng là trả lời người dân: Môi trường biển, cá biển, nuôi trồng thủy sản đã an toàn chưa?"Đây là những câu hỏi liên quan đến đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là sức khỏe của người dân", ông Hà nhấn mạnh.Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên, các báo cáo tại Hội nghị cho thấy biển đã dần an toàn. Môi trường tự nhiên hoàn toàn có thể làm sạch những chất ô nhiễm, là nguyên nhân làm cá chết vừa qua. Tới đây các nhà khoa học sẽ xác định cụ thể địa danh, vùng biển an toàn để người dân nắm rõ, phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản, du lịch tắm biển và các hoạt động thể thao."Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ-Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ-Quảng Trị và Chân Mây-Thừa Thiên Huế. Riêng vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn hải sản, thì cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế", ông Hà nói.Hội nghị kết thúc lúc 11h55.Theo TS Vũ Đức Lợi (Phó chủ tịch hội đồng khoa học quốc gia tìm nguyên nhân sự cố môi trường biển), hiện Bộ Tài nguyên tiến hành kiểm soát liên tục công đoạn sản xuất cốc của Formosa Hà Tĩnh, lấy 4 mẫu trong một ngày. Kết quả cho thấy tổng lượng phenol thải ra mỗi ngày khoảng 3kg, nghĩa là "rất nhỏ".Về phía Bộ Nông nghiệp, đại diện Bộ này cho biết đã giao Tổng cục thủy sản căn cứ vào công bố hôm nay để khuyến cáo các khu vực mà ngư dân có thể khai thác hải sản, đảm bảo an toàn. Ngoài ra Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị bộ Tài nguyên tóm tắt lại kết quả khảo sát đã công bố, để Bộ Nông nghiệp làm căn cứ chỉ đạo sản xuất cho các địa phương.Đại diện Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua Bộ này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùngHôm nay Bộ Tài nguyên đã báo cáo các vùng biển an toàn, với hải sản phải có độ trễ đào thải chất ô nhiễm tích tụ, nghĩa là không phải cùng thời điểm biển an toàn thì hải sản cũng an toàn theo.Thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh giám sát chất lượng hải sản, khi có kết quả sẽ công bố.Nhận xét về báo cáo của nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp (Đại học Khoa học Huế) cho rằng có một số yếu tố quan trọng "chưa được làm rõ". Cụ thể như, trước thời điểm xảy ra sự cố Formosa xử lý nước thải như thế nào? Khi xảy ra sự cố thì Formosa đã thải ra môi trường bao nhiêu tấn phenol, xyanua, bộ phận nào thải ra các chất gây ô nhiễm đó.Theo ông Hợp, các kết quả nghiên cứu đều đưa ra nhận xét chất độc giảm dần theo thời gian, nhưng giảm đến đâu thì phải có kết quả so sánh, cụ thể là so sánh với trước khi ô nhiễm và với các vùng biển không ô nhiễm như Thanh Hóa, Quảng Nam. "Không thể nói chung chung là đã giảm". Đặc biệt cần nêu rõ trong các chất độc thì chất nào đã giảm, mức độ giảm?Phó chủ tịch Thừa Thiên - Huế phát biểu: Chúng tôi rất tin tưởng các nhà khoa học về nghiên cứu và biện pháp khôi phục môi trường biển. Tuy nhiên, chúng tôi có một số đề nghị là tiếp theo nên đưa ra các dự báo cho địa phương về việc ảnh hưởng này cụ thể như thế nào trong tương lai gần, thương lai xa. Chúng tôi được biết hiện nay trong các điểm ở biển còn tồn lưu dạng độc tố, trong tương lai dòng chảy gần vẫn ổn định theo hướng đó, còn một số dòng chảy thì có thể ngược lại, vậy sắp tới có tác động như thế nào đến môi trường.Cần có một đánh giá cụ thể. Ngoài ra, các nhà khoa học, các cơ quan cũng nên có thông báo cơ chế tự phục hồi môi trường biên như thế nào. Nó ở dạng hòa tan, hay tự bay hơi, phát tát, cần phải có thông tin bổ sung để người dân hiểu rõ hơn về việc này. Đề xuất cuối cùng là cho chúng tôi một báo cáo cơ bản về việc này để về thông báo lại cho địa phương nắm rõ và yên tâm.Chủ tịch Hà Tĩnh: Rất cần công bố thủy sản đã an toàn chưa?Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Hà Tĩnh phát biểu, nhân dân miền Trung rất mong chờ hội nghị này. Bà con luôn đặt câu hỏi, môi trường thế nào, hải sản ra sao? Kết quả công bố khả quan, mừng là biển đã tự làm sạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Hội đồng nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, có sự so sánh rõ, đặc biệt hai yếu tố xyanua không còn, phenol còn 4 vòng xoáy nhưng trong tiêu chuẩn cho phép.Thời gian qua Bộ đã chủ động tổ công tác giám sát chặt chẽ Formosa và Formosa thực hiện nghiêm cam kết với Chính phủ. Hy vọng trong thời ngắn môi trường biển miền Trung quay trở lại bình thường. Kết quả này nên công bố rộng rãi cho nhân dân dể dân tự tin và yên tâm hơn. Thời gian tới Bộ Tài nguyên cần tiếp tục yêu cầu Formosa nghiêm túc thực hiện cam kết, nhất là quy trình xả thải. Sở sẽ yêu cầu Formosa báo cáo hệ thống quan trắc, đảm bảo tuyệt đối nguồn của Formosa phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
-
Ông Đặng Quốc Khánh.
Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế và Bộ Nông Nghiệp đánh giá về việc lấy mẫu, công bố thủy hải sản đã an toàn chưa, tuy nhiên trong buổi hôm nay chưa được nghe thông tin này mà chỉ có về phía Bộ Tài nguyên nói về môi trường biển.
Thứ hai nữa là chưa thấy Bộ Nông nghiệp chỉ đạo liên quan đến hoạt động sản xuất của bà con ngư dân miền biển bị ảnh hưởng như thế nào. Chương trình thì đã có rồi nhưng chưa thấy hoạt động. Đề nghị các bộ sớm đưa ra các phương án cụ thể về việc này để người dân có thêm niềm tin vào sản xuất.
Hơn nữa cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp triển khai tốt việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân, thể hiện việc này công khai minh bạch.
Biển sạch là hoàn toàn tự nhiên, đúng quy luật
GS.TS Trần Nghi, người nhiều năm nghiên cứu môi trường, trầm tích biển, đánh giá đây là kết quả nghiên cứu bước 1, chúng tôi chờ nghiên cứu bước 2 lúc đó mới có kết luận khi nào môi trường 4 tỉnh thật sự có thể đánh bắt, cá ăn được, biển trở lại bình thường. Đây chưa phải là kết thúc nghiên cứu để trả lời thỏa đáng cho dân, nhưng tôi đánh giá cao cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả.
Ngay ban đầu có vụ Formosa này, nếu để quy luật tự nhiên thì tất yếu chất độc sẽ bị đào thải và trầm tích dưới biển sẽ trong sạch, nhưng vấn đề là thời gian nào.
Nhất trí với chuyên gia Đức đánh giá, sau thời gian biển sẽ trong sạch hoàn toàn, tuy nhiên để kiểm soát đánh giá được thời gian nào nước biển sạch hoàn toàn, chúng ta phải tiếp tục lấy mẫu.
Bây giờ ta chỉ lấy mẫu tại một số điểm, ví dụ các vị trí ở hố thủy lực, không cần tập trung dày đặc như này. Lấy 4 mẫu vị trí như nhau, thời gian như nhau để phân tích. Lấy mẫu này ở 3 lớp trầm tích, lớp màng cho tới lớp đáy từ 5 cm đến 50 cm và phải lấy phương tiện hút màng này một cách cẩn thận. Cứ như vậy sẽ khẳng định khi nào nước biển đạt ngưỡng cho phép.
Hướng đặt ra như Bộ Tài nguyên hiện nay là chuẩn xác, tuy nhiên hoạt động giám sát Formosa cần phải chặt chẽ, đảm bảo chắc chắn không xả thải tiếp, nếu không các quá trình nghiên cứu sẽ không còn ý nghĩa.
Thời gian này và sắp tới, tôi khẳng định biển sẽ sạch trở lại như trước, đây không phải là trở ngại và nó là quy luật. Việc này tôi không phải động viên hay có tính chất chính trị gì cả. Trước đây khi sự cố môi trường xảy ra, tôi cũng về Quảng Bình, chính những người thân của tôi cũng tỏ ra rất bức xúc vì môi trường biển bị hủy hoại, tuy nhiên sau những quy trình đánh giá khoa học, khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên.
Bộ Y tế cần giám sát và trả lời cá ăn được chưa?
Về câu hỏi cá ăn được chưa, TS Friedhelm Schroeder nhắc lại thông tin hiện cá nhỏ đã quay trở lại vùng biển 4 tỉnh, chúng ta cần giữ chứ không được đánh bắt ngay lập tức, cũng phải nghĩ tới việc thu hút các loài cá khác mang lại nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, để biết đã ăn được chưa Bộ Y tế cần giám sát kỹ và đưa ra những khuyến cáo cụ thể.
TS Friedhelm Schroeder tiếp tục nhấn mạnh đại đa số khu vực ở vùng biển miền Trung đã an toàn, vẫn còn một số nơi như tôi đề xuất ở trên có hàm lượng phenol dù trong tiêu chuẩn, song vẫn còn tồn đọng, thì nên rà soát và lấy mẫu phân tích. Trong 1-2 tuần tới cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn có số liệu rõ ràng để phân tích việc đó. Cá nhân tôi nghĩ nó sẽ an toàn.
Sắp tới sẽ có rất nhiều câu hỏi cho giới chức và nhà khoa học về mức độ tin cậy của số liệu này. Tôi kiến nghị các phân tích tiếp theo cần có đối chứng gửi từ các cơ quan khoa học lận cận như Australia, Nhật Bản. Chúng ta cần chứng tỏ cho công chúng, những người không làm khoa học đó là cách tiếp cận hợp lý, chính xác.
Liên quan nuôi trồng thủy sản, hiện cá nhỏ đã về và chúng ta cần có kế hoạch bảo vệ. Hiện chất lượng môi trường khá tốt nhưng cần phân ích đánh giá chất lượng nước để nuôi trồng thủy sản, phố biến rộng rãi tới địa phương.
Chất độc xyanua đã sạch, phenol vẫn còn ở một số nơi
Liên quan đến 2 thông số xyanua và phenol, TS Friedhelm Schroeder, thông tin qua quan trắc cho thấy cyanua qua thời gian đã sạch. Phenol vẫn còn nhưng đã có chiều hướng giảm dần và nằm trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam.
Ngoài ra, còn một số hố, bẫy thủy lực cần giám sát thêm để theo dõi các thông số phenol chìm sâu ở dưới thay đổi như thế nào. Tóm lại, các thông số đảm bảo cho hoạt động bơi lội, du lịch là hoàn toàn an toàn tuyệt đối.
Và để chứng minh cho quý vị, chiều nay tôi sẽ ra biển bơi cho quý vị xem vì tôi cũng là người rất thích bơi lội. Một thông tin rất là quan trọng và tôi được nghe ý kiến của các chuyên gia, Bộ Tài nguyên Môi trường có một chương trình quan trắc môi trường, kế hoạch toàn diện để kiểm soát ô nhiễm của 4 tỉnh này. Trong tương lai chúng ta phải kiểm soát tốt không chỉ ở Fomosa mà nhiều tỉnh khác, phải đảm bảo công nghệ cao và khả năng ứng phó với thảm họa.
Phương pháp đánh giá môi trường của Việt Nam ngang bằng với Mỹ, châu Âu
40 năm nghiên cứu về môi trường ở Đức, TS Friedhelm Schroeder tham gia đoàn quốc tế điều tra môi trường biển thời gian qua, đánh giá cao khối lượng công việc của các đoàn chuyên gia nghiên cứu.
Trước thực trạng khi nghiên cứu các dấu vết ô nhiễm đã phân tán, trên môi trường chỉ còn cá chết và các rạn san hô bị ảnh hưởng, chúng tôi đã cùng các chuyên gia Việt Nam lấy mẫu cụ thể. Đây là công việc mà chính phủ Việt Nam chỉ đạo làm rất khẩn trương nhưng cũng phải thận trọng.
Chương trình giám sát, phân tích lần này rất kỳ công, chúng tôi đánh giá rất là chính xác, hiện thực và là kết quả nỗ lực của tập thể chuyên gia trong và ngoài nước. Liên quan đến phần phương pháp đánh giá, tôi nhận thấy các nhà khoa học, chuyên gia, tổ công tác đã có những phương pháp đánh giá mang tính tiếp cận cao, ngang bằng với các phương pháp ở Mỹ, châu Âu đang sử dụng. Chính vì vậy chúng tôi đánh giá kết quả phân tích này rất đáng tin cậy.
Chuyên gia Đức phát biểu tại hội nghị.
TS Nguyễn Chu Hồi.
Tuy nhiên, tập thể tác gia nên biên soạn lại những điểm nóng và chưa nóng về môi trường thông qua các đề xuất của địa phương, rồi gửi địa phương phương để họ có căn cứ chung tay cùng Trung ương giải thích hiện tượng. Những gì thực tiễn đặt ra, nhất là câu hỏi từ địa phương như tắm biển được chưa, tắm ở đâu, đánh cá được chưa, đánh khu vực nào, ăn cá toàn hay chưa là câu hỏi chính mà nhóm cần tiếp cận sẽ đắt hơn. Không nhất thiết điều tra diện rộng vì sự cố xảy ra khá lâu.
Phần kết nối giải thích một số hiện tượng có tính chất dị thường như phenol trong nước có xu hướng tan, giảm so với trước, nhưng tăng so với một số nghiên cứu. Còn phenol dưới đáy giảm, nghiên cứu nên có thêm bình luận để thấy cơ chế, từ đó tiếp tục đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu biết chỗ nào tích tụ nhiều hơn để lẫy mẫu. Trong kiến nghị cần nêu rõ vùng biển nào bảo vệ, ưu tiên đánh bắt trước.
TS Trịnh Văn Tuyên: Phải giám sát môi trường để không xảy ra sự cố
Theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, gần đây nhất trong tháng 8, qua theo dõi tổng phenol môi trường nước biển không tăng chút nào mà giảm đi. Giải pháp tiếp theo không nhất thiết phải quan trắc nhiều điểm, nhiều chỉ tiêu. Hầu hết chất nguy hiểm đã giảm, tuy nhiên một số điểm như các hố vẫn còn tích tụ màng phenol, vẫn chưa hết hẳn, vì thế chúng ta phải tiếp tục giám sát các điểm này xem đã an toàn chưa.
Một giải pháp nữa là phải giám sát môi trường ở khu Formosa để không để xảy ra sự cố như trước đây nữa. Ngành tài nguyên môi trường cũng phải xây dựng các trạm quan trắc tự động môi trường biển. Với nỗ lực quản lý, giám sát môi trường như hiện nay, biển miền Trung dần dần sẽ được trở lại như ngày xưa.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thông tin, sau sự cố thủy sản chết hàng loạt ở miền Trung, Bộ Tài nguyên cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã lập ra hội đồng để đánh giá chất lượng môi trường biển. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Cách lấy mẫu sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo TS Tuyên, trước đây khi chưa biết nguyên nhân cá chết như thế nào, Bộ Tài nguyên đã đưa ra một vùng rộng để nghiên cứu từ Hà Tĩnh đến Huế và một số tỉnh khác. Khi đó các đối tượng nghiên cứu cũng khác. Tuy nhiên, khi có nguyên nhân rõ ràng thì các đối tượng nghiên cứu và phân tích nhiều hơn, ví dụ trầm tích được đưa vào phân tích. Hệ sinh thái biển được đưa thêm vào để làm rõ.
Phạm vi nghiên cứu cũng được co hẹp, chỉ tập trung vào 4 tỉnh có biển bị ô nhiễm. Lần này, các chuyên gia đầu ngành với dàn thiết bị được chuẩn bị kỹ, cách lấy mẫu cũng được sáng tạo và trang bị công nghệ cao. Các nhà khoa học đã lấy xi lanh hút từng mẫu để phân tích thay vì lấy gầu múc. Và hiện nay, kết quả nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể yên tâm hơn về chất lượng nước biển vì các nồng độ chất ô nhiễm đang đạt quy chuẩn của chúng ta.
TS Trịnh Văn Tuyên.
-
Kết quả đánh giá chất lượng nước biển.
4 thành viên chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Hùng.
8h sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt.
Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cùng các ông Châu Văn Minh (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Tài nguyên) và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Trước đó tại tại cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm, chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, câu hỏi chất lượng biển miền Trung thế nào, người dân tắm và ăn cá đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý trở xuống có làm sao không thì còn bỏ ngỏ.Theo Vnexpress.net