Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 120,66 điểm (-0,28%) xuống 43.268,94 điểm, S&P 500 tăng 23,36 điểm (+0,40%) lên 5.916,98 điểm và Nasdaq Composite thêm 195,66 điểm (+1,04%) đạt 18.987,47 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ là lĩnh vực dẫn đầu với đà tăng 1,2%.
Nvidia tiếp tục trở thành động lực cho thị trường, tăng 4,9% lên 147,01 USD/cổ phiếu. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đón báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Có nhiều ý kiến nhận định, kỳ vọng dành cho Nvidia đang ở mức rất cao, vì hãng được ca ngợi là yếu tố chính giúp thúc đẩy làn sóng tăng trưởng liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong suốt thời gian qua.
Ngoài Nvidia, một số cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng có hoạt động tích cực, bao gồm Amazon.com.
Cổ phiếu Super Micro Computer nhảy vọt 31,2% sau khi công ty chỉ định BDO USA làm kiểm toán viên và đưa ra thông báo về việc đã đệ trình kế hoạch tránh bị loại khỏi Nasdaq.
Cổ phiếu Netflix thêm 2,9% lên mốc đỉnh 871,32 USD nhờ tin tức có hơn 108 triệu người theo dõi trận đấu quyền anh giữa Jake Paul và Mike Tyson.
Walmart đã leo 3% lên 86,60 USD, đạt mốc cao lịch sử sau khi công ty nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm lần thứ ba liên tiếp.
Củng cố thêm tâm lý lạc quan cho thị trường, các chiến lược gia của Goldman Sachs dự đoán rằng chỉ số S&P 500 sẽ đạt 6.500 điểm vào cuối năm 2025.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,94 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,24 tỷ cổ phiếu của 20 phiên vừa qua.
“Một trong những điểm đáng chú ý hôm nay chính là tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước tình hình căng thẳng ở Nga - Ukraine. Phần lớn họ tìm kiếm sự an toàn ở các cổ phiếu vốn hoá lớn”, Timothy Chubb, Giám đốc Đầu tư tại Girard - Univest Wealth cho biết.
Trước đó, ba chỉ số chính của Phố Wall đều bắt đầu ngày giao dịch ở mức thấp do có tin tức Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về khả năng Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine mượn vũ khí của Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường đã được trấn an phần nào khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phát biểu rằng Moscow sẽ làm mọi cách để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bên cạnh đó, Phố Wall cũng đang dõi theo các lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump đã thông báo lựa chọn bác sĩ nổi tiếng Mehmet Oz làm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid, đồng thời dự định đề cử CEO Cantor Fitzgerald Howard Lutnick vào vị trí Bộ trưởng Thương mại.
GIÁ DẦU ĐI NGANG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như không thay đổi vào thứ Ba khi dấu hiệu leo thang trong xung đột Nga-Ukraine khiến nhà đầu tư lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Hợp đồng tương lai dầu Brent nhích thêm 1 cent, chốt phiên ở mức 73,31 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 23 cent, tương đương 0,3% lên 69,39 USD/thùng.
Ngoài tin tức về căng thẳng giữa Nga - Ukraine leo thang, các chuyên gia còn chỉ ra dấu hiệu cho thấy Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang tăng khả năng mua dầu thô. “Lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đang trên đà đạt hoặc gần đạt mức cao lịch sử vào cuối tháng 11”, Alex Hodes, chuyên gia năng lượng tại StoneX chia sẻ, trích dẫn dữ liệu từ hệ thống theo dõi Kpler.
Kể từ đầu năm nay, xu hướng nhập khẩu thấp của Trung Quốc đã gây áp lực lớn lên giá dầu, khiến Brent giảm 20% so với mức đỉnh 92 USD/thùng hồi tháng 4.
Để hạn chế đà tăng của giá dầu, công ty Equinor đã khôi phục một phần sản lượng từ mỏ Johan Sverdrup ở Biển Bắc, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, một ngày sau khi sự cố mất điện tại đây đã góp phần đẩy giá tăng 3%.