Với 300 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số lượng cổ phiếu OGC mà bà Dung mua vào tương ứng khoảng 1% vốn tại OGC. Hiện, bà Dung đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu tại đây.
Diễn biến giá cổ phiếu OGC thời gian gần đây gây chú ý cho thị trường khi liên tục tăng giảm đột biến với các đợt sóng lớn. Giá cổ phiếu OGC có dấu hiệu đi xuống từ đầu tháng 10 cho đến giữa tháng 11, thời gian sau đó đến nay cổ phiếu này đã tăng trở lại. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/12, thị giá cổ phiếu OGC đạt 2.290 đồng/CP.
Bà Nguyễn Thị Dung là lãnh đạo của Ocean Group được biết đến với nhiều giao dịch "lướt sóng" cổ phiếu OGC thời gian qua. Gần đây, bà Dung đã đăng kí chuyển nhượng 200.000 cổ phiếu OGC trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến ngày 13/10/2017.
Tuy vậy, bà Dung đã từng bị sở HoSe xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi bán chui cổ phiếu OGC. Cụ thể, ngày 16/12/2014, bà Nguyễn Thị Dung bán 120,000 cổ phiếu OGC, nhưng đến ngày 20/01/2015 HoSE mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch.
Động thái mua vào 3 triệu cổ phiếu OGC của lãnh đạo tập đoàn được đưa ra ngay sau khi HĐQT Tập đoàn Đại Dương công bố thông tin trích phụ lục Nghị quyết HĐQT ban hành ngày 6/12/2017. Theo đó HĐQT công ty quyết định thông qua các nội dung liên quan đến việc xử lý nợ tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Còn nhớ hồi tháng 8/2017, OGC thông báo chuyển nhượng 32 triệu cổ phiếu OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương - công ty con của OGC) nhằm mục đích xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ cho NCB với dư nợ xấu hơn 445 tỷ đồng từ tháng 6/2015. Tuy nhiên, đợt thoái vốn này chỉ bán được 1.100 cổ phiếu, không đáng kể so với lượng cần bán. Cùng thời điểm, EVN Finance đã bán được 19,95 triệu cổ phiếu OCH thành công và danh tính nhà đầu tư gom hết lô cổ phiếu này đến giờ vẫn còn là bí ẩn?
Ngoài NCB, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank - MSB) hiện vẫn chưa thu hồi được khoản nợ tới 500 tỷ đồng tại công ty con của OGC là CTCP dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư. 500 tỷ đồng này là trái phiếu do MSB phát hành cho công ty con với mục đích đầu tư vào dự án Sunrise Resort Hội An và bổ sung vốn lưu động. Thời hạn của trái phiếu là 5 năm, nhưng sau 1 năm công ty có nghĩa vụ mua lại hoặc nhờ người mua lại trái phiếu này bất cứ lúc nào MSB đề nghị bán lại.
Lãi suất trái phiếu cho năm đầu tiên là 15%/năm, các năm tiếp theo thả nổi theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất cộng với biên độ 1%/năm. Hình thức đảm bảo là không có tài sản đảm bảo.
Tại thời điểm 30/6/2015 số dư nợ gốc là 500 tỷ đồng, MSB đã yêu cầu CTCP dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư mua lại trái phiếu này. Đến 31/12/2016, MSB tiếp tục yêu cầu công ty thực hiện thủ tục chuyển nhượng trái phiếu cho chủ sở hữu mới là CTCP đầu tư Tiến An (trước đây là công ty mua bán nợ VID), tuy nhiên CTCP dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư của OGC chưa thực hiện thủ tục theo yêu cầu. Sau đó, MSB đã khởi kiện lên tòa án nhân dân TP. Hội An tỉnh Quảng Nam, tòa án đã có bản án sơ thẩm.
Theo quyết định của tòa sơ thẩm, CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và phát triển Đầu tư chấp nhận thanh toán trả MSB số tiền hơn 687 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ tiền gốc và 187 tỷ tiền lãi.
Tuy nhiên sau đó công ty con của OGC lại nộp đơn kháng nghị lên tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xem xét lại với quyết định trên và hiện đang chờ quyết định kháng nghị của Tòa án tối cao tại Đà Nẵng. Trên báo cáo hợp nhất của OGC vẫn ghi nhận đang nợ 500 tỷ đối với Maritime Bank.
Cho đến nay, tình hình kinh doanh của OGC vẫn còn khó khăn, thua lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 vẫn lỗ ròng 226 tỷ đồng, “cải thiện” so với số lỗ 468 tỷ đồng cùng kỳ 2016. Tính tới cuối quý 3, lỗ lũy kế của OGC đã lên tới 2.742 tỷ đồng và cổ phiếu đang đối mặt nguy cơ hủy niêm yết. Do chưa khắc phục xong thua lỗ nên việc thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng hiện không dễ dàng.
>> OGC chỉ bán được 1.100 cổ phiếu OCH trong 32 triệu cổ phiếu đăng ký bán để trả nợ NCB