Cụ thể, BIDV đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ đối với nhà đầu tư dự án đảm bảo nguồn thu hoàn vốn, cũng như khả năng trả nợ vay ngân hàng; hoặc bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần đối với dự án nhằm đảm bảo lợi ích nhà đầu tư cũng như trả nợ vay ngân hàng; hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến và báo cáo Thủ tướng cho phép các ngân hàng được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với dự án BOT cầu Việt Trì mới và các dự án BOT khác đang gặp khó khăn do các yếu tố khách quan.
Lãnh đạo BIDV cũng nhờ Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán giá trị công trình, làm cơ sở để các bên đàm phán điều chỉnh phương án tài chính, ký phụ lục hợp đồng BOT đối với dự án.
Tính đến cuối tháng 10/2019, dư nợ của BIDV tại Dự án đã lên tới 1.049 tỷ đồng. Do hàng loạt nguyên nhân khách quan dẫn tới lưu lượng xe bị sụt giảm khiến doanh thu thu phí tại Dự án chưa bao giờ đạt được phương án tài chính, thậm chí liên tục sụt giảm.
Cụ thể, doanh thu/phương án tài chính năm 2016 tại Dự án là 90/138 tỷ đồng (65%); năm 2017 là 76,4/147 tỷ đồng (52%); năm 2018 là 67,5/157 (43%) và năm 2019 là 47,86/183 tỷ đồng (31%).
Với doanh thu thu phí, lưu lượng xe qua như trạm như hiện nay, Dự án không đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng, khả năng phát sinh nợ quá hạn hoặc BIDV phải cơ cấu dẫn đến phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, hiện việc hoàn thiện/phê duyệt quyết toán giá trị công trình diễn ra chậm gây khó khăn cho ngân hàng khi xác định giá trị tài sản, nhận tài sản thế chấp, định giá theo quy định.
BIDV cho rằng, đang thiếu cơ chế, biện pháp bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư BOT khi doanh thu thu phí không đảm bảo; lợi ích của nhà đầu tư theo phương án tài chính, hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, vào tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VietinBank được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36. Đây là khoản tín dụng trị giá 995 tỷ đồng mà VietinBank đã giải ngân cho Tổng công ty 36 để thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19 trong giai đoạn 2013 - 2015.
Tương tự Dự án BOT cầu Việt Trì mới, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%).
Ngoài ra, Vietinbank còn có hàng nghìn tỷ đồng dư nợ tại doanh nghiệp BOT Cầu Thái Hà và CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã:CII). Cụ thể, CII hiện đang sở hữu khá nhiều dự án BOT nhưng có 3 dự án trọng điểm là Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, Dự án xa lộ Hà Nội và Các dự án trong khu vực Thủ Thiêm.
Tính đến ngày 30/9, Vietinbank chính là chủ nợ lớn nhất của CII với tổng nợ vay gần 3.800 tỷ đồng; BIDV cũng mạnh tay cho CII vay hơn 2.400 tỷ đồng,…
CTCP BOT Cầu Thái Hà được biết đến qua dự án BOT Cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đoạn đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự án do Công ty CP BOT Cầu Thái Hà làm chủ đầu tư - đã được chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ bắt đầu từ 0h00 ngày 10/1. Tuy vậy, trạm BOT Cầu Thái Hà buộc phải tạm dừng thu phí chỉ sau nửa ngày vận hành.
Trong một thời gian dài, BOT Cầu Thái Hà luôn rơi vào tình cảnh doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Doanh nghiệp này còn đang phải gánh nhiều khoản lãi vay có quy mô lớn.
Tình trạng thua lỗ không phải là khó khăn duy nhất đối với BOT Cầu Thái Hà khi tiền mặt đang dần cạn kiệt.
Hiện, BOT Cầu Thái Hà đang có dư nợ hơn 1.026 tỷ đồng tại Vietinbank. Đây là khoản vay nhằm thanh toán chi phí hợp tác đầu tư thực hiện dự án công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam, với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, theo hợp đồng BOT.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.
Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng, trong đó, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng; BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng...
Theo một chuyên gia tài chính, thực trạng của các dự án BOT hiện nay, được ví như “cục máu đông” về tín dụng cho ngân hàng và “mớ bòng bong” cho cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã biểu hiện những bất thường ngay từ khi bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước.
Đó là những tính toán sai lầm từ các bên tham gia ngay từ đầu, khi cho rằng có thể thực hiện được các dự án đúng như kế hoạch và thu về đủ số vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như tiền lãi dự tính.