Room ngoại của Vietinbank đang "hở" hơn 28,4 triệu cổ phiếu

Kết phiên giao dịch ngày 13/11,cổ phiếu CTG của Vietinbank bất ngờ giao dịch thỏa thuận gần 57,4 triệu đơn vị ở giá 21.500 đồng/cp, tương đương 1.234 tỷ đồng. Đây là giao dịch bán ra của khối ngoại, nhưng khối này đã mua vào gần 29 triệu cổ phiếu.
Room ngoại của Vietinbank đang "hở" hơn 28,4 triệu cổ phiếu

Khối lượng khớp lệnh trên thị trường đạt hơn 8,8 triệu cổ phiếu, cao nhất từ cuối tháng 3. Trước đó, sở hữu khối ngoại tại Vietinbank luôn kín ở mức 30% vốn, VietinBank sẽ hở room hơn 28,4 triệu đơn vị. 

Hiện, VietinBank có 2 cổ đông lớn nước ngoài là The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ và IFC đang sở hữu lần lượt 19,73% và 5,39% vốn. Cổ đông lớn nhất vẫn là Ngân hàng Nhà nước với 64,46% vốn.

Vietinbank đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn do tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này đã đạt mức tối đa. Nếu muốn bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải chờ vài năm nữa đến khi việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước về 51% được thông qua.

Phương án tăng vốn từ ngân sách hay tăng vốn bằng giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng vô cùng khó khăn, đề xuất mãi nhưng chưa thành hiện thực.

Mới đây, tại kỳ họp của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

"Vô cùng cấp bách" là cụm từ mà lãnh đạo VietinBank thường nhắc đến khi đề cập đến nhu cầu tăng vốn của nhà băng này

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.

Như vậy, về vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Vietinbank trước mặt vẫn chưa thể thực hiện.

Trong nhiều năm qua, ngân hàng cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính cho phép không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn tự có. Đề xuất này liên tiếp bị bác bỏ.

Trong khi đó, 2 “người anh em” là BIDV và Vietcombank vừa ghi nhận những thương vụ có giá trị kỷ lục trong ngành ngân hàng. Những sự kiện này đều có tầm quan trọng, là một dấu mốc mới trong chiến lược kinh doanh của 2 nhà băng này.

Tối 11/11, BIDV đã chính thức tổ chức buổi lễ công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank. Như vậy, sau hơn 2 năm triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, BIDV đã hoàn tất phát hành thành công hơn 603 triệu cổ phiếu cho một định chế tài chính lớn của Hàn Quốc. Tổng số tiền thu về từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 20.295 tỷ đồng (giá bán 33.640 đồng/cp).

Theo đó, vốn điều lệ của BIDV từ mức 34.187 tỷ đồng đã tăng lên 40.220 tỷ – trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Với việc vốn chủ sở hữu được bổ sung lượng tiền lớn như vậy, mục tiêu đạt chuẩn Basel 2 của BIDV đang dần trở thành hiện thực.

Về phía Vietcombank, cũng vừa công bố lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. Theo thỏa thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Một phần trong giao dịch là FWD sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cafdif và giao dịch này đang chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Giá trị thương vụ ký kết bancassurance chưa được tiết lộ chính thức. Song theo nguồn tin trước đó của Bloomberg, tổng giá trị có thể lên đến 1 tỷ USD và trước mắt, FWD sẽ thanh toán 400 triệu USD cho ngân hàng . Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho biết giá trị hợp tác là lớn nhất tại thị trường bảo hiểm Việt Nam từ trước đến nay.

Có thể bạn quan tâm