Ông Nguyễn Đức Kiên: "Tôi không bênh BOT mà tôi bênh cái phải"

"Tôi không bênh BOT, không bênh Bộ GTVT mà ở đây tôi bênh cái phải, cái gì làm đúng thì phải nói", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.
Ông Nguyễn Đức Kiên: "Tôi không bênh BOT mà tôi bênh cái phải"

Chấp nhận các ý kiến tranh luận

Tại cuộc toạ đàm về các trạm thu phí BOT diễn ra ngày 7/9, ông Nguyễn Đức Kiên đã có ý kiến rằng, việc thu phí ở các trạm này không ảnh hưởng gì đến người nghèo, bởi người nghèo đa phần đi xe máy, mà các trạm BOT đã miễn phí cho phương tiện này. Đồng thời, ông đề nghị báo chí không nói cụm từ "người dân phản đối BOT" mà nên nói "doanh nghiệp vận tải", "tài xế lái xe". Sau đó, đã có một số phản ứng của dư luận bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí chê trách.

Ông nghĩ sao về các ý kiến trái chiều và có bảo lưu quan điểm của mình không?

Trong một xã hội dân sự, xã hội phẳng thì mình phải chấp nhận những ý kiến tranh luận, nhưng việc tranh luận phải khoa học và không xúc phạm, miệt thị cá nhân.

Đồng thời, mình cũng không lấy những ý kiến trên facebook làm áp lực đối với người hoạch định chính sách.

Trong việc này, lời nói thẳng thường khó nghe. Bởi khi cả xã hội đang ùn ùn lên nói BOT mà một mình tôi nói như vậy về BOT thì mọi người nói là tiếng nói lạc lõng, nhưng như Galilei dù bị đưa lên giàn hỏa thiêu thì khẳng định trái đất vẫn quay.

Ở đây, nói BOT không tác động đến người nghèo thì chúng ta thấy, giờ số lượng xe máy là khoảng 62 - 63 triệu và toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước hiện nay đều không thu phí xe máy. Như vậy, chúng ta khái niệm người nghèo trong xã hội là gì, đến đâu?

Bây giờ có lập luận cho rằng, người nghèo đi ôtô khách phải trả phí, cước vận tải lên, tính vào giá mà người nghèo đi mua, phải trả thêm tiền... nên bị tác động gián tiếp vòng 2, vòng 3 vào tài chính.

Thế nhưng đặt vấn đề như thế thì sao chúng ta không đặt vấn đề khi làm đường BOT, ví dụ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu trước đi ôtô mất 3 tiếng thì bây giờ đi có 1,5 tiếng, như vậy chúng ta tiết kiệm được 1,5 giờ xe chạy, nổ máy.

Tiền tiết kiệm đó rơi vào túi Nhà nước hay doanh nghiệp vận tải ôtô? Ở đây, nếu một xe khách bình thường 24 chỗ chạy trong 1 tiếng nổ máy tiêu thụ hết 26 - 28 lít dầu thì 1,5 giờ cứ tính là 30 - 40 lít nhân với giá dầu đang bán.

Như vậy, rõ ràng, rút ngắn thời gian xuống 1,5 giờ thì nguyên tiền dầu đã tiết kiệm rồi chạy ở đường tốt thì sẽ an toàn hơn, độ bền của máy, thời gian khấu hao xe... chưa kể và trước chạy được 1 chuyến thì giờ chạy được 2 chuyến.

Việc tiết kiệm đó thì phải trừ phí đi đường BOT và sao không giảm tiền cho khách đi mà cứ tính BOT bao nhiêu rồi cộng hết vào còn lợi nhuận sinh ra từ dự án BOT thì doanh nghiệp vận tải nhận hết.

Khi nhìn một vấn đề ở khía cạnh kinh tế thì phải nhìn ở tất cả các khía cạnh tác động đến. Bây giờ, chúng ta chỉ nói đến người dân phản đối, nhưng như báo chí nói ở trạm thu phí đường 5 có doanh nghiệp huy động cùng lúc hàng chục xe ra rồi ông chủ phát tiền lẻ cho lái xe để chạy vòng đi, vòng lại.

Khi cơ quan chức năng xử lý thì các xe lại dàn hàng ngang, gây ra ách tắc giả tạo... Như vậy, có phải người dân không? Khi chúng ta dùng người dân với nghĩa rộng là đại đa số xã hội thì nó không đúng mà chỉ có doanh nghiệp kia trả tiền cho mấy lái xe làm công, gây ra bất ổn.

Còn phản ứng của doanh nghiệp, tất nhiên, chúng ta đồng ý, trong một xã hội dân sự, Nhà nước pháp quyền thì mọi người có quyền phản ứng với tất cả các chính sách nhưng phải đúng luật, không ảnh hưởng đến người khác.

Anh có thể thu thập đầy đủ làm đơn khởi kiện ra tòa hành chính, kinh tế đối với doanh nghiệp đầu tư đường BOT, khởi kiện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Giao thông vận tải vì thu phí không hợp lý, lập trạm thu phí ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp mình chứ không thể ứng xử tiêu cực.

Còn nói chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ nhưng phí này năm nay tăng lên cộng với thuế môi trường tính vào giá xăng thì mới được 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 5 năm vừa rồi, chúng ta đã đầu tư thêm 500km đường cao tốc và 2.500km đường đại tu, nâng cấp theo đường cấp 3 đồng bằng.

Như vậy tiền ở đâu. Chất lượng đường mới, to hơn thì tiền bảo trì cũng phải tăng lên. Thế còn Nhà nước đã sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân chưa thì lại là vấn đề khác.

Chúng ta đang nhập nhằng và tất cả cho vào "nồi lẩu" rồi gọi chung là vấn đề BOT, như vậy là không phải, phải rạch ròi ra.

Có thực tế ở trạm thu phí QL5 thì đường BOT là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải đường 5 này, nhưng nhiều lái xe, người dân không đi đường BOT vẫn phải trả phí để san sẻ và họ cho rằng mức phí này không tương xứng với chất lượng đường 5 hiện tại?

Với đường 5 thì trước đây Nhà nước vẫn thu phí và giờ không thu mà giao cho Công ty đầu tư đường cao tốc là Vidifi thu thì không có gì sai với luật.

Nếu không giao cho Vidifi mà giao cho công ty khác thu thì sau cũng lại lấy tiền đó đưa vào ngân sách rồi trả cho đơn vị làm cao tốc.

Như vậy, chúng ta cần tách bạch việc thu phí là do Nhà nước ủy quyền cho doanh nghiệp chứ Vidifi cũng không có quyền gì còn việc nếu có 5 xu, một hào trong đó hay có cá nhân nào làm sai, cố tình quay vòng vé... thì sẽ phải xử lý nghiêm, kể cả hình sự.

Tôi không bênh BOT

 Có một số ý kiến cho rằng, ông đang bênh cho BOT cũng như Bộ GTVT?

Tôi không bênh BOT, không bênh Bộ GTVT mà ở đây tôi bênh cái phải, cái gì làm đúng thì phải nói. Trong đây, chúng ta phải nói cái sai của BOT, của ngành giao thông ở chỗ nào? của Bộ Kế hoạch - Đầu tư ở chỗ nào? của Bộ Tài chính ở chỗ nào?

Chúng ta thấy rõ qua kết luận giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ và kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư 159 về cự ly 70km của trạm thu phí BOT.

Còn phương pháp tính giá, thu phí như thế nào thì do Nhà nước duyệt nên anh phải nói cơ quan Nhà nước chứ sao lại nói doanh nghiệp BOT.

Mình đã khống chế doanh nghiệp BOT ở tổng mức đầu tư chỉ được công nhận khi kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán, công bố, xác nhận và từ số đó, chúng ta phải công nhận chứ tại sao lại bảo không được thu.

Khi kiểm toán đã công bố tiền bằng đó, nếu thu nhiều thì thời gian thu ngắn lại, thu ít tiền thì thời gian dài ra và ở đây, chúng ta phải thỏa thuận với nhà đầu tư.

Theo ông, với các vấn đề mà dư luận đang đặt ra thì chúng ta nên giải quyết bài toán BOT như thế nào cho hợp lý?

Ở đây, theo tôi hãy làm theo đúng 16 khuyến nghị của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BOT. Trong đó, quan trọng nhất là hãy đối thoại với người dân, công khai về việc tại sao phải thu như vậy thì sẽ rõ ràng.

Đồng thời, cũng phải nói rõ các doanh nghiệp vận tải cũng cần chia sẻ trong thời điểm hiện tại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Hoàng Đan/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…