Pharmacity đóng cửa 5 nhà thuốc ở Hà Nội

Sở Y tế TP Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của 66 cơ sở trên địa bàn. Lý do thu hồi, theo văn bản, là do “các cơ sở có đơn đề nghị ngừng hoạt động kinh doanh dược”.
Pharmacity đóng cửa 5 nhà thuốc ở Hà Nội

Trong số 66 cơ sở này, có hai cơ sở bán buôn thuốc là CTCP Thương mại Open Pharma (được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược vào tháng 8/2019) và CTCP Vắc-xin Sinh phẩm DS-BIO (được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược vào tháng 9/2021).

Các cơ sở còn lại đều hoạt động theo loại hình nhà thuốc/quầy thuốc, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong giai đoạn 2019 – 2021. Nổi bật trong số đó là 5 nhà thuốc Pharmacity thuộc CTCP Dược phẩm Parmacity – Chi nhánh Hà Nội.

Cụ thể là nhà thuốc Pharmacity số 514 (địa chỉ tại 134 Dương Văn Bé, Hai Bà Trưng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược vào tháng 10/2020); nhà thuốc Pharmacity số 704 tại tòa nhà CT1, dự án khu nhà ở quận Hoàng Mai; nhà thuốc Pharmacity số 932 tại số 34 Trần Điền (Hoàng Mai) và nhà thuốc Pharmacity số 842 tại số 78 Khương Trung (Thanh Xuân) – cùng được cấp giấy chứng nhận vào tháng 11/2021; và nhà thuốc Pharmacity số 757 tại số 173 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai), được cấp giấy chứng nhận vào tháng 7/2021.

Thành lập từ năm 2011, Pharmacity là một trong ba chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam, bên cạnh chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động (MWG) và chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (FRT).

Hiện tại, Pharmacity có đến 1.093 nhà thuốc đạt chuẩn GPP đang hoạt động trên toàn quốc. Chuỗi nhà thuốc này đặt mục tiêu đến năm 2025 mở được 5.000 cửa hàng, doanh thu đạt 1,5 tỉ USD.

Quá trình ‘bành trướng’ thị trường bán lẻ dược phẩm của Pharmacity bắt đầu được đẩy mạnh từ năm 2019, sau khi chuỗi nhà thuốc này nhận được cam kết hỗ trợ tài chính từ Mekong Enterprise Fund III – một quỹ thành viên của Mekong Capital.

Truyền thông trong nước sau đó cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỉ đồng) trong vòng gọi vốn Series C. Cũng trong năm 2019, Pharmacity huy động thành công 150 tỉ đồng trái phiếu.

Với nguồn vốn huy động được, hoạt động kinh doanh của Pharmacity đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, Pharmacity ghi nhận doanh thu đạt 966,5 tỉ đồng, tăng gấp 7,87 lần so với mức 123,2 tỉ đồng vào năm 2016.

Tuy nhiên, hãng dược phẩm này liên tục báo lỗ. Riêng năm 2019, Pharmacity báo lỗ sau thuế 265,7 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm 2020, Pharmacity tiếp tục báo lỗ sau thuế 194,2 tỉ đồng.

Năm 2021, Pharmacity cho biết doanh thu của công ty đạt 3.567 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020. Doanh nghiệp này cũng tiết lộ bắt đầu có lãi từ tháng 7/2021, theo chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao).

Mới đây, Pharmacity đã bổ nhiệm bà Trần Tuệ Tri giữ chức vụ Tổng giám đốc. Bà Tri được giới thiệu có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, từng kinh qua nhiều vị trí cấp cao tại Samsung, P&G, Uniliver ở cả Việt Nam và nước ngoài.

Trước đó, trung tuần tháng 8/2022, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Christopher Randy Stroud (Chris Blank) không còn là người đại diện pháp luật của Pharmacity. Thay thế vị trí này là ông Nguyễn Như Nam - nhân sự được cho là quản lý đầu tư của SK Group.

Xem thêm

Vua Charles III trong vai trò của một doanh nhân

Vua Charles III trong vai trò của một doanh nhân

Trong nhiều năm, Vua Charles III đã chuẩn bị để bước vào vai trò quốc vương sau triều đại làm nên lịch sử của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, vị vua của nước Anh còn nắm trong tay một vai trò khác: Nhà sáng lập cơ sở kinh doanh có tiếng.

Có thể bạn quan tâm