Phát hiện gần 22.000 vụ gian lận thương mại và hàng giả trong hai năm

Dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng hiện tượng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn ồ ạt xuất hiện...

Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - thực trạng và giải pháp”
Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - thực trạng và giải pháp”

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội, gây hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đồng thời, các vụ việc này cũng gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

Từ các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo số liệu tổng hợp kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trên phạm vi toàn quốc cho biết, số vụ việc phát hiện, xử lý từ 2019-2022 là 21.823 vụ.

Đứng trước thực trạng này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - thực trạng và giải pháp”…

Tại đây, các đại biểu đều nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quyết liệt hơn nữa Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vì vậy, các lực lượng chức năng ở cả Trung ương và địa phương cần chủ động trong công tác nắm tình hình, nhận diện những vấn đề nổi cộm phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần quan tâm hơn nữa đến ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số trong chia sẻ thông tin, phối hợp công tác giữa các lực lượng chức năng trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp đến, cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa nhằm chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm