Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam và xác định các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn để thực hiện.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
“Từ góc độ nhận thức, phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị với 03 nội dung chính bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số” – Thứ trưởng khẳng định.
Từ góc độ chính sách, Thứ trưởng cho rằng ĐTTM là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, thí điểm các chính sách mới bằng việc sử dụng công nghệ số mới, làm ngay từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, xuất phát từ bài toán nhức nhối đặc thù của chính đô thị đó.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ĐTTM có lẽ là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ nhất những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều các yếu tố quan trọng trong phát triển ĐTTM nhưng có thể nói hạ tầng, nền tảng ICT và công nghệ số được coi là những yếu tố nền tảng, là cơ sở cho các yếu tố khác triển khai trên đó. Đây là các yếu tố len lỏi trong mọi lĩnh vực của ĐTTM và trực tiếp đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đô thị.
Tuy nhiên có một thực tế, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, trong khi việc triển khai ĐTTM đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT),… và được triển khai trong phạm vi rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các cơ quan quản lý ở Trung ương và các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai. Hạ tầng ICT nền tảng cho phát triển ĐTTM phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu đề ra, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, khả năng mở rộng linh hoạt trong tương lai và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong suốt quá trình triển khai, vận hành ĐTTM.
Do đó Thứ trưởng khẳng định, Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh 2020 là cơ hội rất lớn cho các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế để chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng, phát triển ĐTTM.
“Với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng phát triển CNTT&TT cho ĐTTM, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng với các địa phương, với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển ĐTTM tại Việt Nam để đóng góp vào thành công chung trong tiến trình chuyển đổi số của Quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị Cấp cao Thành phố Thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ 4 đã chính thức khai mạc sáng nay (24/11) với sự tham gia theo dõi của khoảng 1.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và 27 điểm cầu tại 27 thành phố. Chương trình được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và thể hiện sự đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ trong thúc đẩy phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 có 03 chuyên đề với 6 hội thảo gồm: Chiến lược và chính sách xây dựng đô thị thông minh; Các kinh nghiệm xây dựng và triển khai đô thị thông minh; Hạ tầng số cho đô thị thông minh; Khu đô thị thông minh - tương lai Bất động sản thập kỷ thứ 3; Khu công nghiệp thông minh - thế hệ bất động sản công nghiệp thứ 4; Các nền tảng và giải pháp số cho đô thị thông minh.