Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn: Vô vàn khó khăn!

Dù mạng lưới cơ sở kinh doanh tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn chưa đồng đều và toàn diện.

Ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công Thương “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg và Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số năm 2020, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Để độc giả rõ hơn về hành động của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ này.

Hệ thống phân phối thực phẩm an toàn chưa đồng đều và toàn diện

Thưa bà, việc triển khai xây dựng phát triển mô hình hệ thống phân phối thực phẩm an toàn thời gian qua đã được đơn vị thực hiện bằng những hành động cụ thể nào?

Bà Lê Việt Nga: Như chúng ta đã biết, năm 2010, Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua và ban hành, qua đó các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng với vai trò quản lý những các hệ thống từ sản xuất cho đến tận người tiêu dùng đối với những nhóm hàng hóa mà theo phân công.

Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã triển khai các chương trình phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống cho bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị  trong nước, Bộ Công Thương
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị  trong nước, Bộ Công Thương

Cụ thể, chúng tôi đã triển khai rất nhiều những hoạt động về tập huấn, về tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương đặc biệt là các Sở Công Thương để biết được làm thế nào xây dựng được những hệ thống mà phân phối thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội do Bộ Công Thương triển khai.

Ví dụ, để hỗ trợ cho phát triển hạ tầng thương mại, chúng tôi lồng ghép vào các chương trình phát triển hạ tầng thương mại theo hướng bền vững, văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đổi mới cách để xây dựng các hạ tầng thương mại theo hướng văn minh như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng những hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại, hay hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để xây dựng được những hệ thống phân phối không chỉ ở dạng mô hình mà là trung tâm thương mại hay siêu thị, và cả những chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi, những cửa hàng tạp hóa được phân phối bởi những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và lồng ghép chương trình này vào trong chương trình bình ổn thị trường tại hơn 50 tỉnh, thành phố để xây dựng được hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với một tiêu chí quan trọng số 1 đấy là phải bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá cả hợp lý.

Không chỉ ở những cửa hàng phân phối hiện đại mà cả ở những kênh phân phối truyền thống, chúng tôi cũng hỗ trợ cho các địa phương triển khai những mô hình thí điểm về chợ an toàn thực phẩm và qua đó đã đúc kết để xây dựng được tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm.

Chúng tôi cũng lồng ghép vào những chương trình như Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay những chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình hỗ trợ cho phát triển nông thôn mới để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước.

Năm nay với đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng tôi đã bước sang một giai đoạn đó là quảng bá cho những sản phẩm hàng hóa gọi là “tinh hoa Việt Nam” khi họ có đủ chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc đạt được những thương hiệu rất cao, mang tầm quốc gia, khu vực đưa vào trong hệ thống phân phối trong nước.

Việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn còn gặp khó khăn vô cùng nhiều
Việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn còn gặp khó khăn vô cùng nhiều

Bà có thể chia sẻ cho chúng tôi biết về những khó khăn mà đơn vị phải đối mặt trong quá trình triển khai?

Bà Lê Việt Nga: Khó khăn thì vô cùng nhiều, và chúng tôi cũng nghĩ rằng việc đó là cần phải đối diện bởi vì chúng ta đã biết rằng nền sản xuất cũng như kinh doanh tại Việt Nam thì doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh còn chiếm đến hơn 97%, chúng ta cũng biết rằng chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn là nơi 70% thực phẩm đi qua và việc kiểm soát, tuân thủ pháp luật của bà con tiểu thương ở đây vẫn còn rất nhiều bất cập, chúng ta còn phải cần rất nhiều thời gian nữa để tập huấn kiến thức cho bà con phân biệt được hàng hóa thế nào là thực phẩm bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm, thế nào là quy cách để bảo quản được những thực phẩm đó trong thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam bảo đảm an toàn thực phẩm chúng ta cũng phải biết tập huấn cho người tiêu dùng biết được cách lựa chọn một cách thông thái, thông minh nhất những thực phẩm mà bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Có những khó khăn mà chúng tôi nhận thấy trong quá trình triển khai xây dựng hệ thống mô hình về hệ thống phân phối thực phẩm đó là thiếu vốn để đầu tư những hệ thống phân phối được áp dụng những quy trình quản lý tốt nhất, văn minh nhất.

Ví dụ như chúng ta thấy rằng trên thị trường đang có những chuỗi siêu thị quản lý an toàn thực phẩm rất tốt, các cửa hàng tiện lợi sử dụng những thiết bị để bảo quản được thực phẩm ở những nhiệt độ và độ ẩm đúng chuẩn của bảo quản an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta còn rất thiếu vốn để nhân rộng những mô hình ở những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh hay là các tổng kho thực phẩm thiếu vốn để làm việc đó.

Thêm nữa, các mối liên kết trong việc xây dựng ra những chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn còn đang rất lỏng lẻo và khó khăn, để kết nối được từ sản xuất đến đơn vị phân phối và những dịch vụ hỗ trợ bên lề như hỗ trợ về tài chính, về logistics, về chứng nhận chất lượng, về việc kiểm tra kiểm soát thị trường thì có những địa phương làm rất tốt nhưng có những địa phương còn rất nhiều khó khăn do những yếu tố khách quan.

Chẳng hạn như ở vùng sâu vùng xa vùng có điều kiện kinh tế chưa đạt trên mức trung bình, bên cạnh đó còn những yếu tố chủ quan khi mà lực lượng về quản lý nhà nước hay kiến thức của khối cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng hộ sản xuất kinh doanh vẫn còn đang hạn chế về việc làm thế nào có được một chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn.

Phải có sự vào cuộc đều tay

Để việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn một cách bền vững, theo quan điểm của bà chúng ta cần có sự phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương ra sao?

Bà Lê Việt Nga: Để xây dựng được những mạng lưới, các chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn không chỉ riêng ngành Công Thương có thể làm được, cũng không thể địa phương làm riêng, hay là trung ương làm riêng, mà phải có sự vào cuộc đều tay.

Ngày 27/11/2022, Ban Bí thư cũng đã nêu rất rõ, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc thì yêu cầu các tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ cùng với Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng các bộ, ban, ngành có liên quan để xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn phục vụ cho một trăm triệu người dân Việt Nam.

Tại Chỉ thị số 17 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tổ chức cho được hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ. Chúng tôi thấy rằng, để làm được việc này thì phải cần đến ba yếu tố. Một là về vấn đề hạ tầng thương mại của cơ sở kinh doanh thực phẩm; Thứ hai nữa là phải để ý đến vấn đề là chất lượng của thực phẩm được đưa vào để kinh doanh và thứ ba là yếu tố con người, bao gồm có người kinh doanh và người tiêu dùng tham gia vào việc mua bán thực phẩm.

Tuy nhiên, để có được những chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn mà Bộ Công Thương đang quản lý, các cơ sở kinh doanh cần phải có sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản và sự vào cuộc chính quyền địa phương. Ở đây là các hộ nông dân, Hội nông dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, tức là phải có sự giám sát của cộng đồng.

Mạng lưới hệ thống phân phối thực phẩm an toàn những năm qua phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng
Mạng lưới hệ thống phân phối thực phẩm an toàn những năm qua phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng

Với riêng Vụ Thị trường trong nước, đơn vị sẽ có những  hành động gì để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao?

Bà Lê Việt Nga: Thời gian tới chúng tôi thực hiện tốt Chỉ thị của Ban bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức trách của Bộ Công Thương qua quy định tại Nghị định 96 vừa ban hành và sẽ có hiệu lực có hiệu lực từ ngày 1/12.

Cụ thể, chúng tôi vẫn tiếp tục quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với các cái nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương được giao tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

Tiếp tục quản lý An toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh từ hai sản phẩm do hai bộ, ngành quản lý trở lên. Ví dụ, các chuỗi của WinMart có từ 2 sản phẩm trở lên.

Tiếp đến là quản lý an toàn thực phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng ở dạng nhà kho, tổng kho và các cái loại hình kinh doanh khác.

Đấy là những nhiệm vụ mà chúng tôi phải thực thi, để làm được phải xây dựng ra được một môi trường kinh doanh tốt để cho các doanh nghiệp phát huy được những lợi thế. Ví dụ, xây dựng các chuỗi kinh doanh thực phẩm hiện đại.

Hiện nay, lượng hàng bảo đảm an toàn thực phẩm muốn vào siêu thị lớn hơn so với khả năng các siêu thị có thể tải được, bán hàng được. Điều đó tôi thấy vừa vui, vừa lo lắng. Vui khi thấy lượng hàng sản xuất của nhiều bộ quản lý đã bảo đảm an toàn thực phẩm, có quy trình công nghệ tốt, có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận chất lượng tốt, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế nữa.

Tuy nhiên, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm thì vẫn còn hạn chế. Cho tới nay, vẫn là 70% vẫn qua chợ, siêu thị mới chỉ tải khoảng độ 25%, còn lại qua kênh thương mại điện tử.

Do đó, thời gian tới, làm thế nào nhân nhanh được hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Nhưng lấy nguồn vốn từ đâu, từ nước ngoài hay là từ phía người dân đóng góp, hay từ phía doanh nghiệp huy động?

Về vấn đề này, tới đây chúng tôi sẽ phải cùng ngồi lại với các bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để tìm được nguồn vốn, đầu tư phát triển nhanh các hệ thống phân phối thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, nhanh chóng cải tạo hạ tầng thương mại tại các chợ truyền thống.

Trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý và phát triển chợ, các chợ truyền thống sẽ được khai thác như thế nào. Nhà nước xây dựng hạ tầng thương mại ở các chợ truyền thống sạch sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, có những nguồn vốn cho vay để đầu tư máy móc, thiết bị giúp bảo quản thực phẩm an toàn.

Về mảng đào tạo, tập huấn cho người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh thời gian tới phải được tăng cường. Cộng đồng xã hội sẽ cùng nhau xây dựng mạng lưới kinh doanh thực phẩm đủ về lượng, về chất, bảo đảm cho mọi tình huống, nhưng phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo bà họ cần có những thay đổi gì về hành động và nhận thức về vấn đề xây dựng hệ thống phân phối an toàn thực phẩm?

Bà Lê Việt Nga: Tôi nghĩ, các doanh nghiệp thời gian qua cũng đã nhận thức được, nếu bảo đảm được an toàn thực phẩm thì đấy là một cách xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững nhất.

Từ thực tế theo dõi, chúng tôi thấy rằng, đơn vị làm tốt nhất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh của mình đều phát triển theo hướng đi lên, rất bền vững, đồng thời là đóng góp được trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm đối với một trăm triệu người dân Việt Nam và trách nhiệm đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước.

Khi sản xuất kinh doanh tốt sẽ giúp xây dựng đất nước giàu đẹp. Chúng tôi nghĩ rằng, để xây dựng được mạng lưới đó cần phải có sự đồng lòng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn cõng doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân ở quy mô nhỏ lẻ, để chúng ta xây dựng mạng lưới phân phối.

Đặc biệt, doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế ra những điều kiện kinh doanh phù hợp, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, đóng góp vào phát triển kinh tế. Đó cũng là để các bộ, ngành ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật nhất đối với từng giai đoạn phát triển. Ví dụ, giai đoạn hiện nay, nhận thức của người dân, người tiêu dùng là tốt đối với việc nhận diện thực phẩm an toàn so với trước đây.

Thời điểm này, chúng ta cùng nhau đồng hành, cùng các đơn vị truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc truyền thông những sản phẩm an toàn do mình làm ra, hoặc là đưa vào kênh phân phối nào đó để cho người dân biết được điểm đến và mua hàng.

Còn người tiêu dùng cần phát huy quyền của người tiêu dùng, cùng nhau đồng hành với các doanh nghiệp, góp ý để cung ứng thực phẩm an toàn theo cách thuận tiện nhất, giá thành giá cả hợp lý nhất.

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm