TNI Holdings Việt Nam đang quản lý 11 Khu Cụm công nghiệp trải dài từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Thanh Hóa với quy mô trên 2.000 ha đất công nghiệp
Những đóng góp to lớn
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn hecta. Trong đó, có 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn hecta, tỷ lệ lấp đầy đạt 73,9%.
Tính đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đăng ký đầu tư cho ước khoảng 560 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước đạt trên 5,3 tỷ USD và tăng vốn cho gần 500 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng hơn 3 tỷ USD. Tính chung trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế mới tăng thêm khoảng 8,3 tỷ USD.
Lũy kế đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký ước đạt gần 970 nghìn tỷ đồng và khoảng 8.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 145 tỷ USD.
Hệ thống KCN còn góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Các KCN đã trở thành điểm đến của nhiều dự án quan trọng và có quy mô lớn, là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Đặc biệt việc phát triển KCN đã góp phần thay đổi nền kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như TNI Holdings Việt Nam - Công ty đang quản lý 11 Khu Cụm công nghiệp trải dài từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Thanh Hóa với quy mô trên 2.000 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đạt trên 90%... Các KCN mới lần lượt nối đuôi nhau ra đời với quy mô ngày càng rộng lớn hơn như KCN Hà Nội – Đài Tư ra đời đầu tiên với quy mô 40ha thì KCN Nam Sách (62ha); Phúc Điền (82ha); Tân Trường (198ha); Quang Minh (344ha);…
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, TNI Holdings từng là biểu tượng của phát triển và thu hút đầu tư trong thập niên cuối của thế kỷ 20. Những KCN mới ra đời đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước đến phát triển sản xuất, làm ăn tại Việt Nam, góp phần tăng thu cho đất nước. Cũng từ đó, các KCN đã góp phần thay đổi kinh tế của địa phương, tạo diện mạo mới cho những vùng đất mà TNI Holdings đặt chân đến.
Vẫn còn đó những bất cập
Sự phát triển mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các KCN là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển các KCN Việt Nam trong thời gian qua còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường bất động sản công nghiệp hiện đang có nhiều rào cản, hạn chế. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Quốc Trung thừa nhận, công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu đặt ra. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải song hiện con số này mới đạt 88%. Thêm vào đó, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong khu công nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp còn thiếu; việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp còn khó khăn…
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bổ sung những bất cập trong phát triển thị trường bất động sản công nghiệp hiện nay. Đó là hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối khi vận tải đường bộ chiếm tới 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Mặt khác, thị trường khu công nghiệp còn non trẻ khi đang trong giai đoạn khởi đầu, tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, nhà xưởng còn thấp… Từ thực tế hiện nay, ông Cung nhấn mạnh “đóng góp của khu công nghiệp, khu kinh tế vào GDP chưa tương xứng với tiềm năng”. Bởi lẽ, tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp còn thấp, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ vẫn dưới 30%; xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững chậm khi mới chỉ có 3 khu công nghiệp là đối tượng thí điểm mô hình này…
Cần những giải pháp cụ thệ
Thực tế cho thấy, để phát triển hiệu quả và hài hòa mục tiêu theo yêu cầu phát triển bền vững các KKT và KCN, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn về định hướng phát triển và quản lý nhà nước đối với các khu này, nhất là về xúc tiến đầu tư; cơ cấu ngành nghề, cơ cấu công nghệ; về phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào; về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, liên kết chuỗi cung ứng gắn với sự phân loại các khu công nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của vùng lãnh thổ…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại hệ thống chính sách phát triển khu công nghiệp, khu đô thị để có sửa đổi, bổ sung cần thiết. Các địa phương cũng cần đánh giá lại để phù hợp với xu hướng mới về phát triển kinh tế - xã hội. “Các tỉnh nên làm nhanh chóng. Ở đâu nắm được cơ hội phát triển thì ở đó sẽ đi đầu, nếu không thay đổi, phát triển đến một mức trần nào đó sẽ bị giảm sút”, ông khuyến nghị.
Ðể các KCN phát triển đúng hướng, hiệu quả, cần nhiều giải pháp cụ thể. (Nguồn ảnh: KCN Quế Võ III – TNI Holdings)
Phát triển các KCN phải bảo đảm hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là mục tiêu cao nhất, khai thác tốt các lợi thế tiềm năng địa phương và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của các vùng lãnh thổ và cả nước.
Đặc biệt cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN. Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Bên cạnh đó, cần đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, bên cạnh việc đổi mới tư duy cũng như phương thức quản lý, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, trong xu hướng phát triển không ngừng của logistics/công nghiệp. Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản về quy hoạch, tín dụng, thuế, phí… tạo điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong nền kinh tế thị trường.