Kết thúc phiên 25/10, chỉ số Dow Jones giảm 259,96 điểm (-0,61%) xuống 42.114,40 điểm, S&P 500 mất 1,74 điểm (-0,03%) còn 5.808,12 điểm và Nasdaq Composite tăng 103,12 điểm (+0,56%) lên 18.518,61 điểm.
Phần lớn 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, với nhóm tiện ích có đà giảm mạnh nhất.
Dow Jones mất đà do cổ phiếu ngân hàng lao dốc, với Goldman Sachs mất 2,27%. “Ngành ngân hàng đã tăng mạnh khi cơ hội đắc cử của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tăng lên. Do vậy, dường như các nhà đầu tư đang nhanh tay chốt lời”, Michael Rosen, giám đốc đầu tư tại Angeles Investments nhận xét.
Tuy nhiên, ngân hàng khu vực New York Community Bancorp trượt 8,26% do báo lỗ quý thứ tư liên tiếp, chủ yếu do hàng loạt khoản vay bất động sản thương mại.
Cổ phiếu McDonald's mất 2,97% vì đang đối mặt với vụ bùng phát vi khuẩn E. coli liên quan đến sản phẩm hamburger của hãng.
Capri Holdings “cắm đầu” giảm 48,89% sau khi một thẩm phán Mỹ chặn thương vụ sáp nhập với Tapestry. Trong khi đó, cổ phiếu của Tapestry tăng 13,54%.
Cổ phiếu của Tesla leo 3,36% sau khi bật tăng 22% trong ngày trước đó nhờ dự báo lạc quan về doanh số. Các cổ phiếu của Amazon, Apple và Microsoft cũng tăng theo.
“Các con số ấn tượng từ Tesla đã khơi lại niềm tin rằng đợt tăng trưởng của nhóm “Magnificent Seven” vẫn chưa kết thúc”, ông Brian Jacobsen, kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management chỉ ra.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã tăng mạnh nhờ tâm lý hào hứng của giới đầu tư đối với trí tuệ nhân tạo (AI). Nvidia, “gã khổng lồ” của ngành chip, cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng và thậm chí có thời điểm còn vượt Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,54 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 11,28 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong tuần, Nasdaq đóng cửa với mức tăng 0,16%. S&P 500 giảm 0,96% và Dow Jones mất 2,68%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ trở lại khi thị trường chờ đón dữ liệu việc làm của Mỹ vào tuần tới để dự đoán hướng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước đó vào đầu tuần, lợi suất đã đạt mức cao nhất trong ba tháng là 4,26% và gây áp lực lên thị trường chứng khoán.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng một đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và thêm hai lần cắt giảm trước cuối năm.
Tuần tới, một tuần trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng với Phố Wall. Đây cũng là lúc các công ty công nghệ lớn như Alphabet, Apple và Microsoft công bố kết quả kinh doanh, cùng với báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 10.
GIÁ DẦU TĂNG 4% TRONG TUẦN
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,25% lên 76,05 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 2,27% lên 71,78 USD/thùng. Trong tuần, dầu Brent tăng 4%, còn WTI tăng 3,7%.
“Thị trường dường như đang trong trạng thái chờ đợi cho đến khi có câu trả lời rõ ràng về Israel và cuộc xung đột cũng như kết quả bầu cử Mỹ”, Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp tại Price Futures Group lưu ý.
Nhà đầu tư toàn cầu hiện đang đổ xô vào đồng USD và chuẩn bị tinh thần cho khả năng biến động tăng cao trong hai tuần tới, khi cả Mỹ và Nhật Bản đều chuẩn bị cho bầu cử, ba ngân hàng trung ương lớn công bố chính sách lãi suất và chính phủ Anh trình bày ngân sách mới.
Giá dầu đã có màn đi "tàu lượn" trong tuần, cụ thể là tăng vào đầu tuần, giảm vào giữa tuần và phục hồi vào cuối tuần, chủ yếu là do lo ngại về rủi ro từ tình hình Trung Đông.