Phố Wall giảm điểm, “nín thở” chờ thông tin thuế quan

Các số chính của chứng khoán Mỹ chốt phiên trong sắc đỏ khi giới đầu tư dõi theo động thái thương mại của Mỹ sau loạt tuyên bố áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump…

Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 165,60 điểm (-0,37%) còn 44.240,76 điểm, S&P 500 mất 4,46 điểm (-0,07%) xuống 6.225,52 điểm, còn Nasdaq nhích nhẹ 5,95 điểm (+0,03%) lên 20.418,46 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, chỉ có 5 lĩnh vực ghi nhận đà tăng, dẫn đầu là năng lượng (+2,72%). Trong khi đó, các nhóm phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích đều giảm hơn 1%.

Ở danh mục cổ phiếu vốn hoá lớn, Tesla phục hồi 1,3% sau khi chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong vòng một tháng vào 7/7.

Đáng chú ý trong S&P 500, Moderna “nhảy vọt” 8,8% khi một nhóm tổ chức y tế hàng đầu đệ đơn kiện Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. và Bộ Y tế vì cho rằng chính sách vaccine Covid-19 hiện tại đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Cổ phiếu Freeport-McMoRan – doanh nghiệp khai thác đồng lớn của Mỹ – leo 2,5% nhờ được hưởng lợi từ triển vọng thuế đồng. Trước đó, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 50% để thúc đẩy sản xuất nội địa. Loại kim loại thiết yếu này vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành xe điện, thiết bị quân sự, lưới điện và hàng tiêu dùng. Quyết định bất ngờ đã đẩy giá đồng lên mức cao kỷ lục.

Ngược lại, cổ phiếu ngành năng lượng mặt trời lại đi lùi do ông Trump chỉ đạo các cơ quan liên bang siết chặt điều khoản trong đạo luật “One Big Beautiful Bill”, bao gồm việc loại bỏ hoặc điều chỉnh các khoản tín dụng thuế cho các dự án điện mặt trời và gió. SunRun giảm 11,4%, Enphase Energy trượt 3,6% và SolarEdge Technologies mất 1%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 17,03 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,31 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Vào phiên 7/7 đầu tuần, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều lao dốc sau tin tức Mỹ cảnh báo áp thuế quy mô lớn đối với hàng hoá nhập khẩu từ loạt đối tác thương mại quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác, kể từ 1/8.

Đến 8/7, diễn biến có phần “bình tĩnh” hơn so với phiên trước, song chỉ số S&P 500 và Nasdaq vẫn liên tục dao động giữa sắc đỏ và xanh khi giới đầu tư chờ đợi thêm thông tin liên quan đến thuế quan.

Lo ngại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Trump cảnh báo rằng các mức thuế đã được cân nhắc từ lâu đối với ngành bán dẫn và dược phẩm sẽ sớm được triển khai.

Bên cạnh đó, mặc dù cho biết các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh rằng chỉ còn vài ngày nữa là ông sẽ gửi thư thông báo áp thuế tới EU.

GIÁ DẦU CHẠM MỨC CAO 2 TUẦN

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã chạm đỉnh hai tuần sau dự báo sản lượng dầu của Mỹ giảm, lo ngại về thuế đồng của Mỹ và hoạt động mua bù thiếu (short-covering) trên thị trường hàng hóa.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 57 cent, tương đương 0,8%, lên 70,15 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 40 cent, tương đương 0,6%, lên 68,33 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của cả hai kể từ ngày 23/6.

“Dự báo sản lượng thấp hơn của Mỹ đã khởi động đà tăng giá và được củng cố bởi thông tin về thuế đồng cũng như căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ”,” ông Phil Flynn, chuyên gia tại Price Futures Group chỉ ra.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2025 sẽ thấp hơn so với dự báo trước do giá dầu giảm khiến các nhà sản xuất cắt giảm hoạt động trong năm nay.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công tại Biển Đỏ đã buộc nhiều tàu chở dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và các sản phẩm năng lượng khác phải đi đường vòng, làm gia tăng chi phí năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định thị trường cũng được hỗ trợ bởi hoạt động mua bù thiếu (short-covering) khi giá dầu Brent vượt mốc 70 USD/thùng - ngưỡng tâm lý và kỹ thuật quan trọng.

Giá xăng và dầu diesel tại Mỹ gia tăng trong những tuần gần đây cũng khiến biên lợi nhuận lọc dầu, được đo bằng chênh lệch crack spread, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2024.

“Điểm sáng lớn nhất của thị trường năng lượng hiện nay là khả năng giữ đà tăng dù liên tục xuất hiện các thông tin tiêu cực”, công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates đánh giá. Các thông tin tiêu cực được nêu ra bao gồm diễn biễn leo thang căng thẳng thương mại của Tổng thống Mỹ và dự kiến tăng sản lượng 548.000 thùng/ngày trong tháng 8 của OPEC+.

Có thể bạn quan tâm