S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lập đỉnh, vốn hoá Nvidia sắp xô đổ mốc 4.000 tỷ USD

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên với đà hỗ trợ của cổ phiếu Nvidia. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm tại Mỹ với kết quả tích cực đã giúp củng cố niềm tin cho giới đầu tư, dù cho khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng này đang ngày càng mờ nhạt...

S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lập đỉnh, vốn hoá Nvidia sắp xô đổ mốc 4.000 tỷ USD

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số S&P 500 tăng 51,94 điểm (+0,83%) lên 6.279,36 điểm, Nasdaq Composite thêm 207,97 điểm (+1,02%) thành 20.601,10 điểm; trong khi chỉ số Dow Jones leo 344,11 điểm (+0,77%) đạt 44.828,53 điểm.

Cả S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa ở mức kỷ lục, đánh dấu tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Chỉ số Dow Jones hiện chỉ còn cách mức cao nhất mọi thời đại 0,41%. Tính cả tuần, S&P 500 tăng 1,72%, Nasdaq tăng 1,62% và Dow Jones tăng 2,3%.

Chỉ số Russell 2000 đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng cộng thêm 3,41%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu của Nvidia tiếp đà tăng 1,3%, đưa giá trị vốn hóa của hãng đạt 3.890 tỷ USD, tiến gần hơn tới mốc cao nhất trong lịch sử của Apple và trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Tripadvisor nhảy vọt 16,7% sau khi Wall Street Journal đưa tin quỹ đầu tư chủ động Starboard Value nắm giữ hơn 9% cổ phần của công ty du lịch trực tuyến này.

Cổ phiếu của Datadog cũng bật 14,9% khi công ty an ninh đám mây này được lựa chọn thay thế Juniper Networks trong rổ chỉ số S&P 500.

Khối lượng giao dịch trong phiên khá thấp, đạt 10,85 tỷ cổ phiếu, do thời gian rút ngắn trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ (4/7).

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới được công bố cho thấy số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ trong tháng qua tăng thêm 147.000 vị trí, cao hơn 33% so với mức dự báo 110.000 của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm còn 4,1%, khả quan hơn mức dự báo 4,3%.

“Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng hưng phấn. Thị trường hiện nghiêng hẳn về phía lạc quan. Và sự lạc quan này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Báo cáo việc làm không yếu như dự đoán đã giúp mang lại cảm giác yên tâm cho giới đầu tư”, bà Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường tại Man Group nhận định. Theo bà, đợt tăng lần này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhà đầu tư cá nhân, những người dường như đang phớt lờ những rủi ro liên quan đến lạm phát và thuế quan, mà thay vào đó tập trung vào các yếu tố hữu hình như báo cáo việc làm tích cực.

Sau giờ thị trường đóng cửa, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua gói cắt giảm thuế và chi tiêu lớn của Tổng thống Donald Trump – một kết quả đã được dự đoán trước. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), gói chính sách này sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 3.400 tỷ USD, nâng tổng nợ quốc gia lên 36.200 tỷ USD.

Những biện pháp cắt giảm thuế quy mô lớn và gia tăng chi tiêu công có thể kích thích nhu cầu kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lạm phát.

“Có một số tín hiệu tích cực. Nhưng nếu đứng lùi lại để nhìn bức tranh toàn cảnh, thì tình hình vẫn chưa thực sự khả quan”, ông Alex Morris, Giám đốc điều hành F/m Investments bình luận.

GIÁ DẦU TRƯỢT NHẸ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đi lùi khi giới đầu tư lo ngại các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể kìm hãm nhu cầu năng lượng trong bối cảnh nguồn cung được dự báo sẽ gia tăng. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 31 cent, tương đương 0,45%, xuống 68,80 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 45 cent, tương đương 0,67%, còn 67 USD/thùng.

Lệnh tạm hoãn 90 ngày đối với việc áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hết hạn vào ngày 9/7, trong khi nhiều đối tác thương mại lớn như EU và Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Điều này khiến các nhà đầu tư dầu lo ngại về tác động tiêu cực tới nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Trước đó, tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Việt Nam đã đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bất định đang bao trùm thị trường. Bên cạnh đó, OPEC+ được cho là sẽ nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong cuộc họp chính sách cuối tuần này.

Ngoài ra, khảo sát của khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong tháng 6 đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng do nhu cầu nội địa suy yếu và đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

S&P 500 và Nasdaq thiết lập mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại và đánh dấu quý tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một năm nhờ sự lạc quan về các thỏa thuận thương mại và kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất…

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Chứng khoán Mỹ khép phiên trong sắc xanh, với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiến gần hơn đến mức đỉnh lịch sử trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran tiếp tục được duy trì và hàng loạt dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay…

Có thể bạn quan tâm

Nasdaq và S&P 500 giảm do sức ép từ ngành công nghệ

Nasdaq và S&P 500 giảm do sức ép từ ngành công nghệ

Chỉ số Nasdaq và S&P 500 đồng loạt giảm điểm do sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi chỉ số Dow Jones tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh với thanh khoản bị thu hẹp…

Soi phí các công ty chứng khoán sau khi bị tăng thuế VAT

Soi phí các công ty chứng khoán sau khi bị tăng thuế VAT

Từ ngày 1/7, hàng loạt công ty chứng khoán điều chỉnh tăng phí dịch vụ do nhiều loại hình giao dịch bắt đầu chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo quy định mới, khiến nhà đầu tư đối mặt với chi phí cao hơn khi tham gia thị trường...

Ông chủ Masan trở lại đường đua tỷ phú USD

Ông chủ Masan trở lại đường đua tỷ phú USD

Sau cú tăng tốc ấn tượng của cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chính thức trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với tài sản ước tính 1,1 tỷ USD, đánh dấu màn tái xuất ngoạn mục sau nhiều lần "ra vào" bảng xếp hạng...