Doanh nghiệp từ chối quyền của mình?
Trong số danh mục đề nghị cần sửa đổi gửi tới Ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp của Công ty Luật Asia Legal, có đề nghị làm rõ quyền, nghĩa vụ của những người đại diện theo pháp luật trong trường hợp doanh nghiệp có hơn 1 người đại diện.
“Trong trường hợp điều lệ công ty không quy định thì phải xử lý thế nào nếu cùng một nội dung mà nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng thực hiện trong một thời điểm?”, đại diện Công ty Luật Asia Legal đặt câu hỏi.
Nhưng, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên của Tổ biên tập sửa đổi Luật Doanh nghiệp lại cảm thấy không an tâm với câu hỏi này.
“Chúng tôi đang đưa ra phương án để giải quyết, theo hướng quy định mẫu nếu điều lệ không quy định khác, vì đã có nhiều trường hợp hai người được xác định là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có ý kiến khác nhau khi nói về một nội dung. Bản thân tôi vẫn chưa cảm thấy thuyết phục với cách này, vì đây là việc doanh nghiệp phải làm”, ông Hiếu thừa nhận.
Trong Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
“Đây là vấn đề thuộc về quản trị nội bộ của doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp không thực hiện”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Rà soát các quy định mà nhiều doanh nghiệp cho là gây vướng mắc, tình huống như trên khá phổ biến. Có những công ty cổ phần áp dụng mô hình quản trị không có Ban Kiểm soát, nhưng cũng không có thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, dù luật yêu cầu. Có những doanh nghiệp sao chép nguyên quy định về công ty cổ phần vào điều lệ công ty, bao gồm cả những câu như “nếu điều lệ không quy định khác”…
“Câu hỏi là, các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật thì có sao không. Sẽ chưa có điều gì xảy ra, nhưng rõ ràng họ đang áp dụng dưới chuẩn các quy định về quản trị. Đó là điều đáng buồn”, ông Hiếu nói.
Áp lực quản trị tốt có quá lớn?
Quản trị của Việt Nam rất buồn và đây là lý do Ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp muốn đặt mục tiêu nâng cao quản trị doanh nghiệp.
“Nhưng điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nhiều quy định hơn, chuẩn mực hơn, có thể sẽ khó khăn hơn. Đã có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện hay vẫn bị chi phối bởi lợi ích trước mắt là lợi nhuận?”, ông Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi.
Cũng phải thẳng thắn, nếu so sánh quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, Việt Nam đang đứng thứ 81/189 quốc gia, sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, tương đương Indonesia và nhỉnh hơn Philippines một chút.
Thế nhưng thứ hạng này ít được nhắc tới. Các doanh nghiệp khi tìm kiếm đối tác ở nước ngoài thường căn cứ vào thứ hạng đánh giá theo Thẻ điểm quản trị công ty. “Chúng tôi chuẩn bị công bố Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN năm 2018. Số điểm năm nay vẫn ở mức yếu. Indonesia có thứ hạng tương đương chúng ta về khung khổ pháp lý, nhưng luôn đứng trước về Thẻ điểm này. Các doanh nghiệp Indonesia đang làm trên chuẩn của họ, còn doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại”, ông Hiếu phân tích.
Thực tế này sẽ ảnh hưởng lớn tới những thay đổi trong các nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, vì tình trạng không tuân thủ đúng quy định sẽ tái diễn nếu doanh nghiệp không có ý chọn việc thực hiện quản trị tốt, dành thời gian và chi phí để tuân thủ.