Quốc hội có thể triệu tập họp bất thường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Phát biểu khai mạc tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội có thể sẽ họp bất thường vào trung tuần tháng 1/2024 để xem xét một số dự luật và vấn đề quan trọng khác…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Sáng nay (13/12), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ cho ý kiến về 19 nội dung và tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Theo đó, về việc cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6, theo thông lệ sẽ đánh giá tổng kết toàn diện trên cơ sở ý kiến đại biểu và cử tri xem có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm, đặc biệt cần đổi mới gì để nâng cao hiệu quả của kỳ họp.

Liên quan nội dung cho ý kiến sơ bộ về chuẩn bị kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ, vừa qua có hai dự án luật quan trọng Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo chất lượng của các dự án luật là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Bên cạnh đó, quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số nội dung về tài chính, ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội.

"Do đó, phải tính đến khả năng có 1 kỳ họp chuyên đề (bất thường) để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Đồng thời, ông Huệ cũng cho biết thêm, tại kỳ họp bất thường này, có thể sẽ có thêm một vài dự án quan trọng quốc gia Chính phủ đã chuẩn bị nhưng chưa kịp trình ở kỳ họp thứ 6.

"Thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, nếu có kỳ họp bất thường thì đâu đó trung tuần tháng 1/2024. Để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể họp thêm các phiên không thường kỳ", ông Huệ cho biết.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung nào đủ điều kiện thì trình, còn chưa đủ điều kiện thì dứt khoát chưa đưa vào chương trình mà cần chuẩn bị chất lượng hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến thông qua dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...