Quý 1 lãi 4.000 tỷ, lãnh đạo VPBank vẫn tự tin với kế hoạch lợi nhuận 24.000 tỷ của năm 2023

Chiều 18/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023...
lãnh đạo VPBank phát biểu tại đại hội

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 tại đại hội, lãnh đạo VPBank cho biết, quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của ngân hàng đã chính thức vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng.

Với dòng tiền dồi dào sau thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC năm 2021, VPBank đã tiến hành tăng vốn điều lệ cho công ty con VPBankS lên hơn 15 nghìn tỷ đồng. Qua đó, VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Đồng thời, VPBank cũng đã hoàn tất việc mua công ty cổ phần bảo hiểm OPES với tỷ lệ sở hữu 98%.

Tính chung, năm 2022, lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 24.000 tỷ đồng, nhưng do những khó khăn tại FE Credit nên lãi hợp nhất chỉ còn hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2021.

Sang năm 2023, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến đạt 877.000 tỷ đồng, tăng 39%, trong đó dư nợ cấp tín dụng tăng 33% đạt 636.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá ước tăng 41%, đạt 518.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn và tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp, kế hoạch năm 2023 đầy tham vọng của VPBank đã được cổ đông đặt dấu hỏi về tính khả thi.

Trả lời cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng tỏ ra khá tự tin về kế hoạch đưa ra. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, ngân hàng có đủ khả năng thực hiện kế hoạch đề ra bởi một loạt các động lực chính.

Thứ nhất, VPBank có 2 phân khúc chiến lược và các phân khúc này vẫn đang có sức tăng trưởng cao. Cụ thể, phân khúc SME dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng tới 35%.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng phân khúc retail đạt 200.000 tỷ đồng, phát triển cân bằng giữa các nhóm sản phẩm, đóng góp 60% so dư huy động. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, huy động phân khúc tăng 12.

Thứ hai, VPBank chuyển hướng chiến lược xây dựng tập đoàn tài chính đa năng. Theo đó, phân khúc doanh nghiệp vừa và lớn sẽ từ phân khúc phụ thành phân khúc chính.

Thứ ba, một phân khúc khác có thể tăng trưởng trong năm 2023 là doanh nghiệp FDI. Hiện VPBank đang phục vụ cho 80 doanh nghiệp FDI nhưng con số này dự kiến sẽ sớm tăng lên 300-600 doanh nghiệp. Doanh số huy động của nhóm cũng dự kiến từ 2.000 tỷ lên 10.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa kế hoạch, ngân hàng đã tuyển dụng một đội ngũ rất mạnh từ SMBC và xây dựng nhóm có 300 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Thứ tư, một số động lực khác là đưa vào nền tảng công nghệ hỗ trợ khách hàng cá nhân, tiếp tục phát triển ngân hàng số. Năm 2023, ngân hàng dự kiến tăng 3,5 triệu khách hàng cá nhân mới, từ 9 triệu lên 11-12 triệu khách hàng.

Thứ năm, công ty chứng khoán mới hoạt động nhưng cũng đóng góp tới 500 tỷ đồng lợi nhuận trong 2022. Năm nay dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần nhờ vào việc mới tăng vốn vừa qua.

Ông Vinh cho biết thêm, mặc dù lợi nhuận quý 1 mới chỉ đạt 4.000 tỷ đồng nhưng mục tiêu 24.000 tỷ đồng không quá xa. Bởi lẽ, vào quý 3 và quý 4, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu cũng sẽ giảm.

Cũng tại đại hội, các cổ đông đã vỗ tay và thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương đương với việc cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VPB sẽ nhận về 1.000 đồng tiền mặt.

Đáng chú ý, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 10% kể trên được VPBank tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành mới sau các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và phát hành/chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ngoài ra, tờ trình về thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết cũng được cổ đông thông qua. Trong đó, Đại hội đồng cổ đông thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

Hội đồng quản trị cho biết, VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Song tất cả vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai, chưa thể công bố chi tiết thêm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...