Trong đó, hai quỹ là Vietnam Investment Property Holding Limited thuộc VinaCapital và Quỹ Thành Công công bố kết quả giao dịch.
Cụ thể, thành viên của VinaCapital chỉ giao dịch thành công 222.800 cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, tương đương 3% trong tổng số 8 triệu cổ phiếu đăng ký bán từ ngày 13/1 đến 11/2. Nguyên nhân lý giải là do thị trường chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán ra.
Với mức giá tham chiếu 33.600 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 11/2, ước tính quỹ này đã thu về khoảng hơn 7 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ tại PVS đã giảm từ 2,45% (tương đương 11,7 triệu cổ phiếu) xuống còn 2,4% (11,5 triệu cổ phiếu).
Đây là lần thứ hai VinaCapital không thể bán hết 8 triệu cổ phiếu PVS như kế hoạch. Trước đó, trong đợt đăng ký bán từ ngày 2 - 31/12, quỹ này cũng chỉ thực hiện được gần 4 triệu cổ phiếu, đạt tỷ lệ thành công 49,8%.
Cùng với thông tin về kết quả giao dịch của VinaCapital, Quỹ Thành Công (TCAM) cũng công bố kế hoạch bán toàn bộ 655,4 nghìn cổ phiếu, tương đương 1,41% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (mã chứng khoán: PAC). Giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 14/2 - 14/3, nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Với mức giá đóng cửa ngày 14/2 là 37.600 đồng/cổ phiếu, nếu thực hiện thành công, TCAM có thể thu về khoảng gần 25 tỷ đồng từ việc bán ra lượng cổ phiếu nói trên.
Nhận định về quỹ đầu, nhất là quỹ đầu tư ngoại năm 2025, SSI Research cho biết, dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trái chiều. Trong đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài, cùng với áp lực tỷ giá và những bất ổn chính sách dưới thời Tổng thống Trump, được xem là những rào cản chính.
Bên cạnh đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự hạn chế về số lượng cổ phiếu tiềm năng trong các nhóm ngành công nghệ cũng khiến dòng vốn bị thu hẹp.
Tuy nhiên, SSI Research cũng chỉ ra một điểm sáng đáng chú ý đó là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Điều này có thể giúp hạn chế áp lực rút vốn trong thời gian tới. Ngoài ra, triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi của FTSE Russell được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư quốc tế.
Để hỗ trợ thị trường vốn phát triển bền vững, SSI Research nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách, bao gồm việc triển khai hệ thống giao dịch KRX, áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi, và thực thi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Những động thái này được xem là nền tảng quan trọng để thúc đẩy thị trường trong trung và dài hạn.
Trong tháng 1/2025, dòng tiền chủ động đã ghi nhận xu hướng rút vốn mạnh. Cụ thể, các quỹ chủ động tập trung đầu tư vào thị trường Việt Nam đã rút ròng lên tới 804 tỷ đồng.