Quy hoạch Liên Khương là sân bay quốc tế, công suất 5 triệu hành khách/năm

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030. Theo đó, Liên Khương sẽ là sân bay quốc tế, dùng chung dân dụng và quân sự, công suất đạt 5 triệu hành khách/năm.
Sân bay Liên Khương
Sân bay Liên Khương sẽ có thêm nhà ga T2 công suất 3 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất lên 5 triệu hành khách/năm

Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay Liên Khương đạt cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm, tối thiểu 21 vị trí đỗ tàu bay. Sân bay có thể khai thác các máy bay A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.

Để tăng công suất, sân bay được quy hoạch xây dựng ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía đông nhà ga T1 hiện hữu, sau đó khai thác cả hai nhà ga với tổng công suất 5 triệu khách. Đường cất hạ cánh sẽ được cải tạo, nâng cấp kích thước 3.250x45 m, lề mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m.

Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050, Liên Khương có sân bay 4E, công suất 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030 là 340 ha và sẽ tăng lên 486 ha giai đoạn đến năm 2050.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E với công suất thiết kế đạt 5 triệu lượt hành khách, bao gồm việc xây dựng thêm 1 nhà ga quốc tế trên diện tích đất hiện có là 340ha.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.328 tỷ đồng, do nhà đầu tư tự huy động với thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026. Sau khi được nâng cấp, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ có đầy đủ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiên tiến để đón được các tàu bay lớn như Airbus A380, Boeing 787…

Sau khi quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ bảo đảm cơ sở để triển khai đầu tư, mở rộng, nâng cấp Sân bay Liên Khương.

Để thực hiện quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về quy mô, phương án quy hoạch và đề nghị địa phương quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông kết nối đến sân bay.

Sân bay Liên Khương được xây dựng năm 1961, là sân bay lâu đời nhất Tây Nguyên nằm cách TP.Đà Lạt 28km. Công suất thiết kế của Sân bay Liên Khương là 2 triệu hành khách. Năm 2019, sây bay đã đón 2 triệu hành khách. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến Liên Khương phải dừng một số đường bay quốc tế.

Mới đây, đường bay Liên Khương – Bangkok đã được khôi phục. Đây là chặng bay thương mại thường lệ, vào các ngày thứ 2, 4, 6 và Chủ nhật, cất cánh từ Bangkok đi Liên Khương lúc 11 giờ 15, cất cánh tại Liên Khương trở lại Bangkok vào lúc 13 giờ 40, thời gian bay dự kiến 1 giờ 40 phút.

Hãng hàng không Air Asia cũng đã nối lại đường bay thương mại giữa Liên Khương và Kuala Lumpur (Malaysia) vào Thứ 6, Chủ nhật hàng tuần. Chuyến bay khởi hành tại Kuala Lumpur đi Liên Khương lúc 11 giờ 00 và khởi hành từ Liên Khương bay đi Kuala Lumpur lúc 12 giờ 40, thời gian bay dự kiến 1 giờ 10 phút.

Trong tháng 12, hãng hàng không Vietjet Air cũng sẽ mở bán vé thương mại cho chặng bay giữa Liên Khương và Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 4 chuyến/tuần; khai thác các chuyến bay thuê chuyến giữa Liên Khương và Muan (Hàn Quốc) với tuần suất 2 chuyến/tuần.

Việc nối lại các chuyến bay thương mại đến Liên Khương - Đà Lạt là một tín hiệu tích cực cho việc phục hồi và phát triển du lịch quốc tế của TP.Đà Lạt, nhất là dịp thành phố này đang tổ chức Festival hoa Đà Lạt.

Có thể bạn quan tâm