Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết: Chiều 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Cùng dự làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng như các bộ ngành báo cáo, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận buổi làm việc. Thủ tướng cho rằng: Lâm Đồng có vị trí chiến lược của khu vực Tây Nguyên. Tỉnh có lợi thế về diện tích lớn, điều kiện tự nhiên tốt. Thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ dao động từ 18-25°C.
Lâm Đồng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng; sở hữu nhiều văn hóa phi vật thế đáng quý (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số); trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh là "thành phố ngàn hoa" Đà Lạt.
Lâm Đồng cũng có hệ thống giao thông thuận lợi, khá đồng bộ. Hệ thống giáo dục đào tạo phát triển khá với 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp; hơn 60 cơ sở đào tạo nghề cùng với 3 viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những hạn chế của Lâm Đồng như kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn nhiều bất cập. Chuyển đổi giống cây trồng có xu hướng chậm lại.
Thủ tướng lưu ý, Lâm Đồng phải chú ý phát triển xanh, bao trùm, bền vững, hài hòa. Hạ tầng xã hội phải chú trọng hơn nữa. Là một trung tâm du lịch thì phải "xanh, sạch, đẹp". Phải giữ bằng được những nơi đẹp ở trung tâm để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, còn phát triển bất động sản phải lùi xa.
“Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên, tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa. Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên”, Thủ tướng nêu rõ.
Phấn đấu hoàn thành cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương năm 2026
Ngoài chỉ đạo các giải pháp, định hướng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tỉnh cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các dự án, công trình trọng điểm như các tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt…
Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị cụ thể của Lâm Đồng, chủ yếu về các dự án giao thông, trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển. Trong đó, Thủ tướng ủng hộ đề nghị của tỉnh về việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Thủ tướng đề nghị tỉnh làm càng nhanh càng tốt công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Như Thương Gia đã thông tin, dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là dự án thành phần của Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo tờ trình của tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, tuyến Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài khoảng 73,5 km, tổng mức đầu tư ước khoảng 11.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Dự án theo phương thức PPP với số vốn 2.500 tỷ đồng trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2024.
Tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương chưa được Chính phủ phê duyệt. Trong khi 2 tuyến còn lại là Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc đều được được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cụ thể, ngày 6/9/2022, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Tuyến có Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60,1 km, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tiếp đó, ngày 10/11/2022, Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với chiều dài khoảng 66km, trong đó 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (Ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỉ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động).
Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn phân kỳ, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nền đường rộng 17m với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí. Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.