Cùng với đó, tại Công văn số 6227/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…), trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.
Các bộ, ngành, địa phương được Bộ yêu cầu khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khắc phục tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất.