Tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Nghị quyết nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai, các Luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của dự thảo Luật, cụ thể như sau:

1- Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63, 64, 65), rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

2- Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất (Điều 67, Điều 68), cần cụ thể hoá trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.

3- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 146), thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

4- Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 214), việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

5- Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động (Điều 94): Đây là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể.

6- Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai (Điều 168), việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh hoặc Chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, chính sách hỗ trợ khác của nhà nước… là cần thiết. Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, không rườm rà để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin-cho”.

7- Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” (Điều 198, Điều 212), quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

8- Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (Điều 66), nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng (khoản 1 Điều 66) thì cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng; đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng…

9- Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 6, Điều 206), đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ, hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính kế thừa các quy định hợp lý hiện hành, phù hợp, không có vướng mắc về tiếp cận đất đai, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật đầu tư, nhà ở và pháp luật liên quan.

10- Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản (Điều 211), đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật, nhằm tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí, tác động tiêu cực đến quyền tài sản hợp pháp của người dân, đồng thời cần nghiên cứu quy định nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Nội dung này cần quy định thống nhất với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chính phủ cũng chỉ đạo, về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, cần làm rõ chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất và chức năng của Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp trong tạo lập, cung cấp quỹ đất cho nhà đầu tư. Cân nhắc thống nhất hai tổ chức trên vào một và giao Chính phủ quy định, dứt khoát không quy định cụ thể tổ chức bộ máy trong Luật. Nguồn vốn của Quỹ phát triển đất thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN-MT làm rõ về vấn đề này.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ TN-MT nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội; những vấn đề quan trọng, nội dung mới, phức tạp mà Nghị quyết 18-NQ/TW chưa có chủ trương cần nghiên cứu kỹ, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…