Rắc rối xử lý cổ phần hóa Hacinco

Do chưa có tiền lệ, nên vụ “cổ phần hóa treo” tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (Hacinco) đang tạo dư luận về nhiều vấn đề như tính hợp lệ của phương án xử lý số cổ phần được mua, tăng giảm vốn điều lệ
Rắc rối xử lý cổ phần hóa Hacinco

Văn bản… “đá” nhau

Theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 của UBND TP.Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của Hacinco, hình thức cổ phần hóa tại Hacinco là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn. Theo đó, giá trị thực tế doanh nghiệp là 260 tỷ đồng; vốn điều lệ dự kiến là 50 tỷ đồng; giá trị thực tế vốn nhà nước là 7,18 tỷ đồng (tương ứng 9,11% vốn).

Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; vi phạm quy chế đấu giá cổ phần lần đầu; mua cổ phần ưu đãi tính trùng và chuyển nợ lương sai quy định... Số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật, bao gồm cả cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm GDCK Hà Nội (nay là Sở GDCK Hà Nội – HNX).

Ngày 28/11/2005, Sở Tài chính Hà Nội có công văn số 4131/STC/TCDN-P2 đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét điều chỉnh giảm vốn điều lệ tại Hacinco, tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được là 2,834 tỷ đồng. Ngày 30/11/2005, UBND TP.Hà Nội có Quyết định 7867/QĐ-UBND điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của Hacinco,  trong đó Nhà nước nắm 9,65% vốn.

Ngày 22/4/2010, UBND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ. Theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước từ 9,11% lên 49,6%. Tổng công ty Handico sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại (theo phương án đề xuất của tổng công ty này).

Lưu ý là trước đó, ngày 1/9/2009, Thanh tra Chính phủ lại có kết luận số 2125/KL-TTCP về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Hà Nội, trong đó kiến nghị đối với việc thực hiện cổ phần hóa Hacinco như sau: Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của Công ty; giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định 7867/QĐ-UBND là 47,16 tỷ đồng, chuyển 397 triệu đồng từ cơ cấu cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa Khách sạn Hacinco năm 1998); công nhận kết quả ĐHCĐ lần thứ nhất ngày 2/12/2005 của Công ty.

Rắc rối ở chỗ, Sở Tài chính Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị hủy bỏ kết quả ĐHCĐ ngày 2/12/2005 do Đại hội được tiến hành không đúng quy định của pháp luật, có nhiều sai sót trong việc gửi giấy triệu tập và tài iệu không đảm bảo thời gian tối thiểu là 15 ngày theo quy định, sai sót trong việc lập danh sách cổ đông khi tiến hành Đại hội không đảm bảo về thời gian quy định.

Chờ một lối thoát

Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho rằng, theo quy định tại Khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP, toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật, bao gồm cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm GDCK Hà Nội, sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý như sau: “Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa để điều chỉnh quy mô, hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hóa và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”.

Cụ thể, vốn điều lệ của Hacinco cần được điều chỉnh về số vốn thực góp: tổng vốn điều lệ 28,328 tỷ đồng; trong đó vốn góp của Nhà nước là 4,553 tỷ đồng (tỷ lệ 16,07%); vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi là 1,889 tỷ đồng (tỷ lệ 6,67%); vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21,885 đồng(tỷ lệ 77,26%).

Sau khi xử lý kết quả bán cổ phần đúng theo quy định pháp luật, UBND TP.Hà Nội sẽ ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, làm cơ sở để Hacinco tổ chức ĐHCĐ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ra quyết định công nhận Hacinco trở thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, nhìn vào phương án trên, một số cổ đông từng là người lao động của Hacinco lại không đồng tình, vì như vậy sẽ không bảo vệ quyền của họ. Nếu phương án trên được thông qua, đồng nghĩa với việc Hacinco bị bán rẻ cho nhóm nhà đầu tư mua qua đấu giá (chiếm 77% vốn điều lệ Công ty).

Trong khi đó, theo các thông báo số 514-TB/TU ngày 30/12/2016 của Thành ủy Hà Nội, công văn số 124/UBND-KT ngày 11/1/2017 và công văn số 440/UBND-KT ngày 8/2/2017 của UBND TP.Hà Nội, Thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Hà Nội. Theo phương án này, sẽ giữ nguyên vốn điều lệ của Hacinco là 47,16 tỷ đồng.

Theo Đức Hòa-Anh Việt/ ĐTCK 

Có thể bạn quan tâm

Dự báo lợi nhuận quý 1/2025: Ngành dầu khí 'tụt dốc'

Dự báo lợi nhuận quý 1/2025: Ngành dầu khí 'tụt dốc'

Lợi nhuận ngành dầu khí quý 1/2025 dự báo giảm mạnh 27% do giá dầu lao dốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, PVS và PVT được đánh giá là hai điểm sáng nhờ triển vọng tăng trưởng từ các dự án quan trọng...

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của các công ty chứng khoán đang đến gần, với nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng được công bố. Những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận phản ánh kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sau một năm đầy biến động...

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell về kết quả xếp hạng thị trường đang đến gần, thị trường đang xôn xao trở lại về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ thị trường "cận biên" lên thị trường "mới nổi" trong năm 2025...