Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 19/5/2025 cho phép tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Điều này đồng nghĩa những ngân hàng vừa tham gia chương trình nhận chuyển giao bắt buộc như MB, HDBank và VPBank sẽ được phép nâng trần sở hữu nước ngoài lên 49%.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhận định việc nâng trần sở hữu nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thu hút dòng vốn mới từ nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ.
Theo phương án tái cơ cấu, các ngân hàng tham gia sẽ nhận được một số quyền lợi và miễn trừ từ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, được hỗ trợ về thanh khoản…
Trong trường hợp các ngân hàng này duy trì tăng trưởng tài sản cao hơn trung bình ngành hoặc trên 25% và khả năng sinh lời duy trì ổn định trong vòng 2 năm tới, VIS Rating đánh giá HDBank, MB và VPBank sẽ là những ngân hàng cần bổ sung vốn mới để duy trì mức vốn hiện tại.
Theo ước tính, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) có thể giảm từ 150 đến 300 điểm cơ bản đến cuối năm 2026 nếu các ngân hàng trên không tăng vốn cổ phần mới hoặc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Từ trước đến nay, các ngân hàng chủ yếu dựa vào lợi nhuận giữ lại và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nhu cầu vốn. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn và đạt được thỏa thuận chính thức với nhà đầu tư nước ngoài thường kéo dài nhiều năm.
Ví dụ, VPBank đã mất khoảng 2 năm để bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023. HDBank cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài trong suốt 5 năm qua. MB hiện không có thông báo về kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận giữ lại và trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ là nguồn tăng vốn chính của ngân hàng.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCB sẽ duy trì ở 30%. Ngân hàng có kế hoạch chào bán 6,5% vốn cổ phần trong năm 2025-2026 cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đối tác chiến lược, ngân hàng Mizuho. Nếu thành công, ước tính tỷ lệ CAR của ngân hàng sẽ tăng hơn 200 điểm cơ bản từ mức hiện tại.
Về dài hạn, sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro của các ngân hàng thông qua việc bơm vốn mới và hỗ trợ chiến lược tăng trưởng kinh doanh, quản trị rủi ro cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Điển hình như sự hỗ trợ từ SMBC, quy mô cho vay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VPB đã tăng gấp 3 lần lên 3,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Vào ngày 5/5 vừa qua, VPBank đã công bố huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD, được thu xếp bởi SMBC và một số ngân hàng nước ngoài khác để tài trợ cho hoạt động tài chính bền vững của ngân hàng.
Trước đó, Chứng khoán ACBS cũng cho biết Nghị định 69 tạo điều kiện để các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài trong trường hợp có nhu cầu tăng vốn để bơm thêm vốn cho các ngân hàng yếu kém, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Ví dụ, MB đang có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào Ngân hàng MBV trong giai đoạn cơ cấu. Các ngân hàng khác nhiều khả năng cũng sẽ có các kế hoạch tương tự, và đây là một phần trong đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Ngoài ra, việc tăng vốn giúp củng cố hệ số an toàn vốn (CAR), trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao: 20-30%/năm.
Hiện, HDBank dù có CAR khá cao (khoảng 14%) nhưng lại phụ thuộc vào trái phiếu vốn cấp 2, do đó, ngân hàng này có thể xem xét tăng vốn cấp 1 để giảm chi phí vốn trong tương lai. Trong khi đó, VPBank tuy cũng có CAR khá cao (khoảng 14%) và chưa sử dụng nhiều trái phiếu vốn cấp 2 nên nhu cầu tăng vốn chưa cấp thiết.
Ngược lại, MB có CAR thấp hơn (khoảng 10%), dù chưa tận dụng vốn cấp 2 nên cũng có thể có nhu cầu tăng vốn trong tương lai. Tuy nhiên, ACBS cho rằng, yếu tố sở hữu nhà nước tại MB có thể là trở ngại, do các doanh nghiệp nhà nước thường không muốn bị pha loãng tỷ lệ sở hữu.
Hiện cả ba ngân hàng trên đều chưa chạm trần hạn mức room ngoại đối với cả mức room theo điều lệ các ngân hàng chủ động khóa room dưới 30% và mức room theo luật định 30%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại 3 ngân hàng lần lượt là MBB là 22,3%, VPB là 24,3% và HDB là 16,9%. Do đó ACBS cho rằng việc nới room lên 49% sẽ chưa phải là động lực tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên về trung và dài hạn, giới hạn 49% sẽ giúp các ngân hàng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các động chiến lược. Hiện MBB có cổ đông lớn là các tập đoàn nhà nước, đặc biệt là Viettel, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hoạt động kinh doanh của MBB. VPB có SMBC là cổ đông chiến lược nước ngoài và nắm 50% vốn của FE Credit.
Trong khi đó, HDB chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đang tích cực tìm kiếm đối tác. Do đó, ACBS đánh giá HDB là ngân hàng có nhiều khả năng sẽ nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhất do nhu cầu tăng vốn cấp 1 ngày một lớn và chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài.
Trong trường hợp nếu HDB muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược, mức sở hữu của cổ đông chiến lược thông thường từ 15-20%, thì rất có khả năng HDB sẽ là ngân hàng sớm thực hiện các chiến lược mở room và tăng vốn. Điều này được đánh giá là sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Ngoài tác động tích cực đến nguồn vốn và giá cổ phiếu của các ngân hàng trên, ACBS cho rằng chính sách này cũng sẽ cho phép thử nghiệm việc nới room ngoại trong một phạm vi hẹp, từ đó đánh giá tác động đến năng lực tài chính, quản trị và ổn định hệ thống ngân hàng.
Việc giới hạn thí điểm ở ba ngân hàng trên giúp giảm thiểu rủi ro an ninh tài chính – tiền tệ nếu có biến động từ dòng vốn ngoại. Kết quả từ các ngân hàng thí điểm sẽ cung cấp dữ liệu thực tiễn về việc thu hút vốn ngoại, cải thiện quản trị và xử lý ngân hàng yếu kém, làm cơ sở để xem xét việc mở rộng chính sách trong tương lai.
Trong bối cảnh nước ngoài bán ròng cổ phiếu ngành ngân hàng hơn 30.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2024, việc tạo điều kiện cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có thể giúp hỗ trợ dòng vốn ngoại vào ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.