Rủi ro pháp lý từ "cấm thịt chó" đến "tạm dừng âm nhạc DJ"

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết Sở sẽ tạm dừng tất cả những chương trình âm nhạc có yếu tố DJ, nhưng việc này liệu có cơ sở pháp lý?
Rủi ro pháp lý từ "cấm thịt chó" đến "tạm dừng âm nhạc DJ"

Vụ việc 7 khán giả tử vong và nhiều người khác phải nhập viện cấp cứu sau khi tham gia một lễ hội âm nhạc điện tử tại Hà Nội đang được dư luận chú ý, nhất là với thông tin rằng toàn bộ nạn nhân đều dương tính với ma túy.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay Sở sẽ tạm dừng tất cả những chương trình âm nhạc có yếu tố DJ. “Chúng tôi tạm dừng những chương trình có yếu tố DJ, những chương trình có âm nhạc điện tử mạnh chứ không phải tạm dừng tất cả các lễ hội âm nhạc. Dùng từ tạm dừng lễ hội âm nhạc là chưa đúng”.

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định không cấp phép cho đại tiệc âm nhạc diễn ra vào ngày 29/9 tới với loạt DJ nước ngoài đình đám tại Sân vận động Bách Khoa Hà Nội. “Có thể đơn vị tổ chức có trụ sở tại TP.HCM nên người ta xin cấp phép ở đó. Tuy nhiên, nếu biểu diễn tại Hà Nội thì cũng phải làm một thông báo gửi Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội. Nhưng tôi chưa nhận được thông báo nào. Và nếu có nhận thì tôi cũng không ký. Tạm dừng là tạm dừng, cho tới khi cơ quan điều tra làm việc xong và có kết luận rõ ràng”, ông nói.

Có thể coi việc tạm dừng các chương trình âm nhạc có yếu tố DJ là một nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên, từ khía cạnh pháp lý, hành động này có không ít vấn đề đáng bàn.

Thứ nhất, cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Không có quy định nào cho phép từ chối cấp phép hay tạm dừng chương trình đã cấp phép khi không chứng minh được chương trình đó vi phạm pháp luật.

Thứ hai, cơ quan Nhà nước buộc phải làm những gì pháp luật yêu cầu. Nghị định 72/2012 và Nghị định 15/2016 giao cho Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội trách nhiệm cấp phép và họ buộc phải cấp phép khi người nộp hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật.

Việc Sở tuyên bố sẽ dừng chương trình đã cấp phép, và dừng cấp phép là không phù hợp với các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người tổ chức các chương trình ca nhạc. Do đó, những thiệt hại của những người tổ chức chương trình bị tạm dừng hoặc từ chối cấp phép vì một lý do không có trong quy định của pháp luật phải được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

"Nếu nhận thấy nguy cơ lớn từ việc sử dụng ma tuý tại những buổi biểu diễn ca nhạc thì cơ quan nhà nước có thể bổ sung quy định về điều kiện cấp phép, điều kiện tổ chức biểu diễn, nhưng phải làm việc này thông qua sửa đổi pháp luật, chứ không phải một tuyên bố miệng.

Tuyên bố từ Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội được đưa ra khi những tranh cãi quanh một công văn của Hà Nội liên quan đến việc sử dụng thịt chó mèo vẫn chưa lắng xuống. Đại diện Chi cục Thú y cũng phát biểu rằng cơ quan này sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo TP về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. Có thể trong 3-5 năm nữa sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội.

Theo cá nhân người viết, người ăn thịt chó, người không ăn thịt chó là sự lựa chọn cá nhân. Nhưng về phía cơ quan quản lý, chỉ được phép can thiệp vào quyền của người dân (gồm cả quyền ăn và quyền bán thịt chó), khi chứng minh được rằng việc đó xâm hại lợi ích công cộng.

Lợi ích công cộng là quốc phòng, an ninh, sức khoẻ cộng đồng, đạo đức xã hội, và trật tự xã hội. Nếu muốn can thiệp, cơ quan quản lý buộc phải đưa ra được số liệu, dẫn chứng, kết quả nghiên cứu, điều tra... để chứng minh được rằng ăn hoặc bán thịt chó xâm hại một trong 4 lợi ích công cộng liệt kê trên.

Cho đến hiện nay, không hề có bất kỳ một số liệu nào về sự suy giảm khách du lịch vì thịt chó. Cũng không hề có bất kỳ số liệu nào về tình trạng ngộ độc thực phẩm vì ăn thịt chó và so sánh nó với các loại thực phẩm khác. Và kể cả có số liệu thì cũng chỉ có thể cấm những cơ sở bán thịt chó không an toàn, chứ không thể cấm hay vận động tất cả.

Cũng không hề có bất kỳ một số liệu nào về tình trạng trộm chó để làm thực phẩm. Mà kể cả có số liệu thì cũng chỉ được phép trừng phạt những người trộm chó, những cơ sở bán thịt chó không có nguồn gốc rõ ràng, chứ không thể cấm tất cả.

Nếu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính và không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, sẽ vô cùng rủi ro cho cả doanh nghiệp và người dân.

Nguyễn Minh Đức
Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...