Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Dow Jones giảm 68,42 điểm (-0,16%) xuống 43.153,13 điểm, S&P 500 mất 12,57 điểm (-0,21%) còn 5.937,34 điểm và Nasdaq Composite trượt 172,94 điểm (-0,89%) thành 19.338,29 điểm.
Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 4,03% sau khi công bố lợi nhuận quý 4/2024 ấn tượng nhờ làn sóng thương vụ, trong khi cổ phiếu Bank of America giảm 0,98%. Ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ dự đoán thu nhập lãi suất sẽ tăng cao hơn vào năm 2025.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 14,31 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,75 tỷ của 20 phiên gần nhất.
Vào phiên trước, báo cáo CPI tích cực kết hợp với báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ từ các ngân hàng đã giúp ba chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận mức tăng phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 6/11/2024. Tuy nhiên, thị trường đã dao động trong phiên này khi có dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao, trong khi thị trường lao động duy trì ổn định. Điều này mang lại cho Fed dư địa để duy trì tốc độ cắt giảm lãi suất chậm trong năm nay.
Rick Pitcairn, chiến lược gia toàn cầu tại công ty Pitcairn nhận định: "Thị trường đã thở phào nhẹ nhõm vào ngày hôm qua. Nhìn chung, Tháng Một vẫn còn được xem là giai đoạn chưa chắc chắn, nhưng ít nhất chúng ta đang có cơ sở tốt để xem xem mọi thứ sẽ đi đến đâu, với nhiều dữ liệu và báo cáo lợi nhuận sắp được công bố”. Ông cũng nhận xét rằng lợi nhuận từ các ngân hàng là rất tích cực và đóng vai trò chỉ báo quan trọng.
Bất chấp đà giảm trong phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn đang hướng đến mức tăng hàng tuần. Tuy nhiên, nền kinh tế kiên cường, lạm phát kéo dài và phát biểu từ các quan chức Fed làm gia tăng lo ngại rằng Fed có thể không mạnh tay cắt giảm lãi suất như mong đợi. Bên cạnh đó, cũng có nhiều sự hoang mang về khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự kiến nhậm chức vào 20/1, sẽ thực hiện các chính sách áp thuế quyết liệt, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trước đó, ông Scott Bessent, ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng đồng USD nên duy trì vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và Fed cần độc lập. Ông cũng cảnh báo về một "thảm họa kinh tế" nếu các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017 của ông Trump hết hiệu lực vào cuối 2025.
GIÁ DẦU GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm vào thứ Năm, chịu tác động bởi tin tức lực lượng Houthi dự kiến sẽ ngừng tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ và khi các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu bán lẻ tại Mỹ.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 74 cent, tương đương 0,9%, xuống còn 81,29 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,36 USD, tương đương 1,7%, xuống 78,68 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2024 trong phiên ngày thứ Tư.
Theo các quan chức an ninh hàng hải, lực lượng Houthi có khả năng công bố lệnh ngừng bắn sau thỏa thuận đình chiến tại Gaza, giúp làm giảm bớt các gián đoạn vận tải biển toàn cầu. Trong hơn một năm qua, các cuộc tấn công của Houthi đã buộc nhiều công ty vận chuyển phải thực hiện hải trình dài hơn và tốn kém hơn quanh miền Nam châu Phi.
Cũng trong phiên 16/1, Bộ Thương mại Mỹ đã báo cáo doanh số bán lẻ trong tháng 12 tăng, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều nhà đầu tư tin rằng dữ liệu này củng cố cho cách tiếp cận thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất vào năm nay.