Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” mới đây, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank đã có những chia sẻ tâm huyết với nhà đầu tư về chiến lược năm 2025.
Theo ông Đức, 2025 là năm của đầu tư công, và trên thực tế nhóm đầu tư công đã tăng trưởng từ đầu năm đến nay, qua đó tạo phân kỳ so với ngành khác. Đầu tư công ở đây không chỉ là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn liên quan đến công nghệ, chẳng hạn như CTR, HPG… hoặc thậm chí FPT (AI cũng có thể liên quan đến đầu tư công) hay dầu khí (các doanh nghiệp hưởng lợi từ Lô B - Ô Môn).
"Vì vậy, những công ty nào liên quan đến đầu tư công năm sau sẽ hưởng lợi tích cực, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm ngành này nếu muốn chiến thắng thị trường", ông Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Đức cũng đưa ra 8 lưu ý mà nhà đầu tư không nên mắc phải trong năm 2025. Đây cũng là 8 điều mà ông Mark Minervini phải sửa trước khi trở thành một nhà đầu tư huyền thoại.
Thứ nhất, không chốt lãi khi có lãi đáng kể và sau đó mất đi phần lớn lãi.
Vị Giám đốc trên cho rằng, phần lớn nhà đầu tư gặp phải lỗi lầm này. Bởi theo ông Minervini, việc nhà đầu tư tìm siêu cổ phiếu rất khó, mỗi năm chỉ có vài siêu cổ phiếu. Năm vừa qua, nếu không có FPT, VGI hay CTR coi như không có siêu cổ phiếu. Ngoài ra, siêu cổ phiếu chỉ chiếm 3 – 4% thị trường. Ngoài ra, muốn có siêu cổ phiếu, trong một năm vẫn có lúc giảm 20 - 30%.
Thay vì tìm siêu cổ phiếu tăng 100%, tại sao nhà đầu tư không chốt lời 10 lần những cổ phiếu tăng 10%. Đặc biệt ở Việt Nam, khi thị trường sideway (đi ngang), cổ phiếu nhiều khi tăng 10% rồi lại giảm thì nhà đầu tư nên kỷ luật hơn, không chỉ trong việc cắt lỗ mà còn cả chốt lời ngay khi cổ phiếu chạm ngưỡng kháng cự.
"Tôi thấy rằng khi cổ phiếu chạm đường Bollinger Band 80 – 100 thì cổ phiếu giảm. Cho nên, vào năm ngoái, tôi đã thay đổi chiến lược là mua khi cổ phiếu ở biên giữa đường Bollinger Band (MA 50 – MA 100) và bán khi chạm đến biên trên, chốt lời khoảng 10%", ông Đức nêu quan điểm.
Thứ hai, không kiên quyết cắt lỗ khi lỗ còn ở mức thấp (dưới 8%). Hay hiểu đơn giản, nhà đầu tư đừng để khoản lỗ bé thành khoản lỗ lớn. Khi không bán toàn bộ danh mục cắt lỗ ở dưới 8% thì cũng phải bán ra ít nhất 50% danh mục của mình.
Thứ ba, mua cổ phiếu khi giá đã vượt xa điểm mua tối ưu.
Thứ tư, không bảo vệ điểm hòa vốn khi đã có lãi.
Thứ năm, dũng cảm nắm giữ tiếp sau khi cổ phiếu giảm mạnh.
Thứ sáu, không dũng cảm nắm giữ tiếp khi thị trường tăng nóng.
Thứ bảy, yêu cổ phiếu và tin vào câu chuyện kể cả khi giá đã giảm.
Thứ tám, trung bình giá khi cổ phiếu giảm.
Đồng thời, ông Đức cũng cho rằng, nếu cầm cổ phiếu nào mà đã tăng giá rồi, nhà đầu tư chỉ nên bán một nửa thôi. Danh mục đã bán của ông trong năm vừa rồi tăng mạnh nhất, với những cổ phiếu như CSV, BFC, NTL đến cuối năm toàn tăng gấp đôi, gấp ba.
Những cổ phiếu thường tăng trong tháng đầu tiên thì sẽ tăng trong quý đầu tiên. Đã tăng trong quý thì khả năng cao sẽ trở thành cổ phiếu chiến thắng. Cho nên nếu may mắn tìm cổ phiếu tốt trong đầu năm thì đừng bán ra và nếu có lỡ bán ra rồi thì phải theo dõi để mua lại trong tương lai.
"Đã là chứng khoán thì phải có sự đầu cơ. Đầu cơ theo thuật ngữ chính xác là mua dựa trên phân tích, đặt cược dựa trên phân tích có cơ sở. Chẳng hạn, như khi ông George Soros đánh sập đồng bảng Anh, thì ông cũng phải có cơ sở, không ngẫu nhiên.
Khi mua cổ phiếu với kỳ vọng cổ phiếu đó tăng giá trong năm nay, chúng ta phải dựa trên cơ sở nào đó. Nếu cơ sở đó đúng, chúng ta sẽ kiếm rất nhiều tiền. Cho nên trong chứng khoán, chúng ta có thể nắm giữ cổ phiếu mãi mãi như ông Warren Buffett hay Ken Fisher. Còn nếu không thể nắm giữ mãi mãi, chúng ta ít nhiều phải đầu cơ, và đầu cơ sẽ phải dựa trên quan điểm riêng của mình và nếu đúng, chúng ta sẽ được tiền", ông Nguyễn Việt Đức đưa ra lưu ý cho nhà đầu tư.