Theo đó, Sacombank dự kiến bán toàn bộ hơn 81 triệu cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, trong đó số lượng cổ phiếu bán theo phương thức thỏa thuận tối đa là 20.087 đơn vị.
Mục đích bán cổ phiếu quỹ là thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.
Tính theo mức giá đóng cửa cổ phiếu STB ngày 22/6 (30.200 đồng/cổ phiếu), ngân hàng có thể thu về 2.463 tỷ đồng nếu giao dịch thành công toàn bộ lượng đăng ký bán. Số cổ phiếu quỹ trên có được từ việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank với giá trị sổ sách được ghi nhận là hơn 750,9 tỷ đồng. Nếu bán thành công toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đăng ký, thặng dư vốn cổ phần của Sacombank sẽ tăng thêm hơn 1.710 tỷ đồng.
Quá trình tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng sau sáp nhập SouthernBank là nguyên nhân khiến Sacombank phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu và chưa được chia cổ tức. Ngay ở kỳ họp đại hội năm 2021, Sacombank kiến nghị NHNN để sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nhưng đã không được chấp thuận. Hơn 6 năm qua, cổ đông của Sacombank đã không được chia cổ tức.
Năm 2021, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản 533.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Tổng dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu với mục tiêu Sacombank đưa ra kiểm soát ở mức dưới 2%
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Trong quý đầu năm 2021, Sacombank ghi nhận lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 25% kế hoạch năm.