Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đang có một tháng rất khó khăn. Sau khi phải công bố thu hồi 2,5 triệu chiếc Note 7, các sản phẩm từ những model điện thoại di động khác cho đến máy giặt của công ty cũng phát nổ. Con tàu đang chìm? Năm 2013, Samsung là ông vua ở Trung Quốc. Chiếm 17,3% thị phần, vượt lên trước cả các tên tuổi trong nước và nước ngoài, Samsung luôn là lựa chọn hàng đầu của những người sử dụng Android ở thị trường mà có tới 95% người sử dụng dùng Android. Thế nhưng sau đó Xiaomi xuất hiện.
Chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi ra đời năm 2011 và chỉ vài năm sau, quy mô của công ty đã đủ lớn để bắt kịp với các tên tuổi lâu năm khác. Năm 2013, Xiaomi sở hữu 5% thị phần smartphone, nhưng tới năm 2014, con số này đã nhảy vọt lên 12,5%. Dường như Xiaomi lúc đó đã đánh cắp người sử dụng trực tiếp từ Samsung. Khi thị phần của Xiaomi tăng lên 7% thì cũng là lúc thị phần của Samsung tụt 6%. Các ông lớn khác như Lenovo, Huawei và Coolpad vẫn giữ nguyên thị phần. Kết quả cuối cùng đó là Xiaomi vượt lên trên Samsung, đẩy công ty này xuống vị trí thứ 2 với 12% thị phần.
Mọi chuyện tiếp tục “xuống dốc” với Samsung tại Trung Quốc khi gã khổng lồ Hàn Quốc phải chắt bóp từng đồng để giảm giá nhằm cạnh tranh với Xiaomi ở phần khúc giá rẻ và đau đầu nghĩ cách chiến đấu với Huawei ở phân khúc tầm trung. Apple cũng là một vấn đề của Samsung sau khi doanh số iPhone tăng nhanh và giúp táo khuyết lọt vào top 5.
Bỗng nhiên Samsung vướng phải một vấn đề rất lớn: các công ty trong nước với những sản phẩm “giá rẻ chất lượng cao cấp” khiến khách hàng của Samsung cũng phải ngã lòng vì thông số và mức giá đến khó tin. Samsung đuối sức, và trước khi sự cố xảy ra, Samsung cũng đã rớt khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, nhường chỗ lại cho 4 tên tuổi trong nước là Huawei, Vivo, Oppo, Xiaomi. Cái tên đứng thứ 5 là Apple. Tia hy vọng cuối cũng tắt
Thế rồi sau đó, Note 7 phát nổ và phải thu hồi trên toàn cầu. Việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cũng như danh tiếng của hãng trên toàn cầu. Không chỉ thế, công ty còn bị thiệt hại 1 tỷ USD tiền thu hồi 2,5 triệu chiếc Note 7 đã được bán ra. Trong tình cảnh thê thảm đó, Samsung chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng đó là Trung Quốc, bởi theo tuyên bố của Samsung, những chiếc Note 7 sản xuất tại Trung Quốc với phần pin được sản xuất bởi nhà cung cấp Trung Quốc Amperex Technology thì không bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, thật không may cho Samsung, người Trung Quốc đã “đoạn tuyệt” với Note 7. Pin của sản phẩm này có do nhà sản xuất nào cung cấp đi nữa, thì người tiêu dùng cũng chẳng mua nó nữa. Thê thảm hơn, theo các báo cáo mới đây, một số sản phẩm Note 7 tại Trung Quốc đã phát nổ. Mỗi một câu chuyện đều được đăng kèm với những hình ảnh chiếc Note 7 nổ tan tành và kéo theo hàng trăm, hàng ngàn lời bình luận chỉ trích công ty vì đã không chịu thu hồi những sản phẩm này tại Trung Quốc. Những cuộc tranh cãi đó sẽ lại như được đổ thêm dầu qua mỗi một lần người dùng nhận được báo cáo về một chiếc Note 7 nào đó bị nổ.
Thiệt hại với Samsung thậm chí sẽ còn nặng nề hơn nhiều so với việc hãng này quyết tâm thu hồi Note 7 ngày từ đầu. Thu hồi một chiếc smartphone là rất tốn kém, nhưng rất khó để đưa ra một cái giá tương xứng cho những thiệt hại về thương hiệu Samsung tại Trung Quốc khi cái tên Samsung liên tục bị réo trên bản tin kèm theo tai tiếng. Chuyện thu hồi một sản phẩm dần dần sẽ trở thành chuyện cũ trong vô vàn tin tức chảy trôi trên thế giới, nhưng tại Trung Quốc, nơi mà chiếc điện thoại này đã không được thu hồi, thì đây sẽ là cậu chuyện không bao giờ cũ.
Hậu quả về lâu về dài sẽ còn khốc liệt hơn nhiều. Theo những kết quả khảo sát ban đầu, người tiêu dùng Trung Quốc đã mất lòng tin vào Samsung và sẽ đổi các thiết bị của Samsung lấy những sản phẩm của Apple hoặc Huawei tùy theo lựa chọn. Tin về việc máy giặt của Samsung phát nổ cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi Samsung đang "vờ như điếc". Công ty này vẫn nhắc đi nhắc lại điệp khúc rằng những chiếc điện thoại tại Trung Quốc là an toàn và đang làm việc với những nhà điều tra độc lập để xử lý các thông báo cháy nổ.
Thế nhưng người dân Trung Quốc thì lập luận rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là tranh luận. Một người bình luận về công nghệ trên Tencent viết: "Thằng ngốc nào sẽ vẫn sử dụng Note 7 chứ. Có quá nhiều lựa chọn ở ngoài kia. Chỉ có những người không biết gì về vụ Note 7 nổ thì mới tiếp tục mua sản phẩm này". Thế nhưng tại thời điểm này, không có nhiều người chưa nghe về những báo cáo liên quan đến Note 7. Một người khác bình luận: "Tôi vừa đi qua một cửa hàng bán điện thoại có rất đông người lớn tuổi cầm những chiếc điện thoại Samsung ra đời cách đây vài năm nói rằng họ đã nghe tin tức và muốn trả lại chiếc điện thoại của mình". Đây thực sự là tổn hại thương hiệu nghiêm trọng có thể khiến 1 tỷ USD Samsung bỏ ra để triệu hồi số thiết bị này là con số quá nhỏ khi xét về lâu về dài.
Theo Lê Kiên/ICTnews