Sản lượng thuỷ sản ước đạt 2.370,4 nghìn tấn trong quý 2/2023

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác trong quý 2/2023 đều tăng lần lượt là 1,6% và 0,5% so với cùng kỳ…

Sản lượng thủy sản quý 2/2023 ước đạt 2.370,4 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cá đạt 1.680,5 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 352,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 337,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản lượng thủy sản nuôi trồng quý 2/2023 ước đạt 1.311,2 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cá đạt 851,2 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 313 nghìn tấn, tăng 4,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.336,4 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2023  do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu ở mức thấp, nhưng sản lượng cá tra tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý 2/2023 ước đạt 436,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.

Cùng với cá tra, giá tôm nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm. Tôm thẻ chân trắng tiếp tục chuyển đổi từ nuôi thâm canh sang siêu thâm canh hoặc nuôi thâm canh với mật độ cao hơn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng quý 2/2023 ước đạt 221,8 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 71,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.

Như vậy, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%.

sản lượng thủy sản
Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Còn sản lượng thủy sản khai thác quý 2/2023 ước đạt 1.059,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cá đạt 829,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 39,3 nghìn tấn, tăng 0,3%. Sản lượng thủy sản khai thác biển trong quý ước đạt 1.013 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.934,1 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, sản lượng thuỷ sản vẫn tăng, song các doanh nghiệp trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19.

Theo công văn vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20 - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao.

Hiện, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục bị áp lực nặng nề, vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn là nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm, cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ sức để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay.

Do vậy, tại cuộc họp về các biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thủy sản và lâm sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao.

Sản lượng thuỷ sản
Nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “trầm kha”, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thúc đẩy sản xuất, thu mua nguyên liệu thủy sản cho nông, ngư dân, VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng, với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài, do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.

Đồng thời, cho các doanh thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 - 3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm, để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông, ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...