Sản xuất, buôn bán phân bón giả nhiều đối tượng bị điều tra hình sự

Nhiều cá nhân ở Đắk Lắk và Tiền Giang đang bị điều tra hình sự vì hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Tại Đắk Lắk, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Huỳnh Tấn Đàn để điều tra về tội “Sản xuất, bán hàng giả là phân bón” quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự.

Ngày 5/6, Công an tỉnh này đã áp dụng biện pháp giữ người khẩn cấp đối với ông Huỳnh Tấn Đàn (47 tuổi), thường trú thôn 3, xã Hòa Thuận; đang ở 96 Lý Chính Thắng, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Cơ quan chức năng đã khám xét chỗ ở của ông Đàn tại phường Tân An; khám xét kho hàng tại xã Hòa Thuận, phát hiện ông Đàn đã sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất phân bón giả mạo "Made in USA”, khối lượng hơn 120 tấn với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Được biết, 120 tấn phân nghi giả đã được thu tại 6 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra đối tượng còn khai nhận đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 300 tấn phân bón giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ nơi sản xuất “USA”.

Phân bón giả được phát hiện tại Tiền Giang
Phân bón giả được phát hiện tại Tiền Giang

Cũng liên quan đến mặt hàng phân bón, tại tỉnh Tiền Giang sáng ngày 15/6/2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 - Cục QLTT tỉnh Tiền Giang vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng cho Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để điều tra, xử lý; trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 triệu đồng.

Trước đó, ngày 26/5/2022 Đội QLTT số 5 tổ chức kiểm tra đối với 01 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; hàng hóa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có ghi nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy đầy đủ, đúng quy định.

Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 02 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 01 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng với hàm lượng đồng (Cu) chỉ đạt dưới 40% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng.

Ngày 14/6/2022, Đội QLTT số 5 lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Ngay trong buổi sáng ngày 15/6/2022, Đội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Có thể bạn quan tâm