“Việc tái cấu trúc lại địa giới hành chính tỉnh thành và liên kết vùng kinh tế là một trong những hướng đi thể hiện tư duy chiến lược trong cuộc “Đổi mới lần 2”. Việt Nam nhiều bài học quốc tế để tham khảo nhưng quan trọng nhất là cần lắng nghe phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trao đổi với Tạp chí Thương Gia.
"ĐỔI MỚI LẦN 2"
Là một trong những Việt kiều đã trở về giúp đỡ, hỗ trợ đất nước ngay từ những năm Đổi mới, tới thời điểm này, khi Việt Nam đang có những sự chuyển đổi căn bản cho kỷ nguyên vươn mình, ông vẫn đang theo đuổi công việc trên. Vậy ông cảm nhận thế nào về không khí cuộc “Đổi mới lần 2” này? So sánh với lần trước, mức độ sẵn sàng và sức chống chịu của nền kinh tế đã khác như thế nào?
Khi tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989, đất nước còn đang xoay xở trong nền kinh tế bao cấp, tỷ lệ đói nghèo cao và gần như không có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dù chúng ta đã quyết định Đổi mới, việc hiện thực hoá chủ trương này trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến kéo dài, bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận thật sự khó khăn.
Cánh cửa bình thường hoá quan hệ với Mỹ dần được hé mở nhờ thiện chí của hai nước cùng các hoạt động ngoại giao “phi chính thức” khiến Việt Nam bắt đầu được xác định là một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản… Trong giai đoạn 1991-1995, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng mạnh và tôi lại có cơ hội trở về Việt Nam tham gia các dự án đầu tư của Australia vào năm 1992.
Tại thời điểm đó, một nguồn lực quan trọng khác chưa được khai thác hiệu quả. Vào năm 1989, mỗi ngày bưu điện TP.HCM nhận tới 60.000 thùng quà của bà con kiều bào gửi về cho người thân. Chúng ta chưa có chính sách để bà con có thể gửi kiều hối trực tiếp về nước. Năm 1993, ông Cao Sĩ Kiêm khi ấy là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao soạn một văn bản về vấn đề kiều hối, để chính thức hoá hoạt động này. Từ đó tới nay, lượng kiều hối về Việt Nam đã lên tới hơn 350 tỷ USD, giúp nền kinh tế cân đối cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tăng nguồn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh…
Bắt đầu từ những nền tảng như vậy, hiện nay, Việt Nam đã có một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng, với quy mô GDP lớn hơn gấp nhiều lần, dự trữ ngoại hối vững mạnh và hệ thống tài chính – ngân hàng khá ổn định. Tuy nhiên, như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam phải nỗ lực tận dụng hơn một chục năm cơ cấu dân số vàng để vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Như vậy, khác với cuộc “Đổi mới lần 1” với mục tiêu trọng tâm là giải quyết công ăn việc làm cho người dân, “xoá đói giảm nghèo”, từng bước làm quen và dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cuộc “Đổi mới lần 2” đặt ra sứ mệnh vươn lên thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao”. Điều này đòi hỏi một bước tiến toàn diện và sâu sắc hơn, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và tri thức, cùng với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dù chúng ta khởi đầu công cuộc này với những điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều, thách thức lần này cũng lớn hơn: Việt Nam không còn có thể dựa vào lao động giá rẻ, ưu đãi thuế hay khai thác tài nguyên như trước để đạt mức tăng trưởng như mong muốn nữa. Những yếu tố như năng suất lao động thấp, thể chế thiếu đồng bộ, và công nghệ sản xuất còn phụ thuộc nước ngoài đang là rào cản lớn, cần sớm được khắc phục.
TƯ DUY, TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
Một trong những trọng tâm của cuộc “Đổi mới lần 2” là việc sáp nhập các tỉnh thành theo hướng mở không gian hướng ra biển hoặc/và xây dựng các trục kết nối gắn với các hành lang kinh tế trong nước và quốc tế. Ông nhận định như thế nào về tầm nhìn này? Xét từ góc độ kinh tế, việc sáp nhập như vậy sẽ bổ sung những khiếm khuyết trong liên kết sản xuất và tiêu thụ trong từng địa phương, giữa các địa phương với nhau và hướng ra thị trường xuất khẩu như thế nào?
Việc tái cấu trúc lại địa giới hành chính tỉnh thành và liên kết vùng kinh tế là một trong những hướng đi thể hiện tư duy chiến lược trong cuộc “Đổi mới lần 2”. Đó không chỉ đơn thuần là sáp nhập hành chính, cơ học mà còn không gian phát triển – cả trên đất liền và trên biển – nhằm khai thác hiệu quả hơn các chuỗi giá trị liên vùng. Việc sáp nhập giữa một tỉnh ven biển với tỉnh nội địa, ví dụ, có thể tạo ra một cấu trúc phát triển hài hòa: tỉnh ven biển lo khâu logistics và xuất khẩu, trong khi tỉnh nội địa đảm nhận vai trò cung ứng nguyên liệu và lao động.
Chẳng hạn, TP.HCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sự hợp nhất này tạo cơ hội hình thành và liên kết chuỗi sản xuất tại Bình Dương với chuỗi logistics gắn với cảng Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu. TP.HCM vẫn đóng vai trò đầu tàu, kết nối, cung cấp nguồn vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ vừa hỗ trợ vừa được củng cố nhờ lợi thế sản xuất và logistics của hai tỉnh sắp sáp nhập.
Hay như Bình Phước, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từng có nhiều cuộc làm việc với địa phương này. Sản phẩm chủ lực của địa phương là hạt điều và cao su nhưng để đi ra thị trường quốc tế được, phải xây dựng được các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, đáp ứng thị hiếu của thị trường nhập khẩu. Đồng Nai mạnh về sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, sản phẩm đặc sản OCOP, lại có hệ thống cảng biển. Sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước giúp hai địa phương hỗ trợ lẫn nhau cùng chuẩn hoá chuỗi giá trị nông sản, sản phẩm, vươn ra quốc tế.
Ngoài ra, tầm nhìn này giúp giải quyết tình trạng phân mảnh, cát cứ địa phương vốn làm suy yếu hiệu quả đầu tư và quy hoạch. Sau quá trình này, chúng ta nên rà soát lại quy hoạch hệ thống cảng hàng không, cảng biển…, quy hoạch lại để không xảy ra tình trạng cạnh tranh “xuống đáy”.
Tuy vậy, bài toán đặt ra là phải đảm bảo hài hòa về văn hóa – xã hội và lợi ích giữa các địa phương. Cần có sự chuẩn bị tốt về thể chế và truyền thông, hoá giải các xung đột lợi ích, tâm lý “địa phương chủ nghĩa” để tiến trình sáp nhập được thông thoáng, thuận lợi.
Từ góc độ thu hút đầu tư, việc mở rộng không gian hành chính, không gian phát triển cho mỗi tỉnh thành sẽ thúc đẩy việc thu hút dòng vốn FDI như thế nào? Chúng ta liệu có nên nghĩ tới định hướng thu hút FDI phù hợp với lợi thế từng địa phương mới để nâng cao chất lượng dòng vốn, hướng tới các mục tiêu lâu dài và bền vững của toàn nền kinh tế hay không? Xin ông phân tích cụ thể.
Đương nhiên, khi không gian phát triển được mở rộng và quy mô các địa phương sau sáp nhập đủ lớn, khả năng thu hút các dự án FDI quy mô lớn sẽ tăng lên đáng kể. Quan trọng hơn, các địa phương sẽ không còn phải cạnh tranh nhau bằng ưu đãi giá rẻ, mà thay vào đó là bằng năng lực thực tế và chiến lược phát triển rõ ràng.
Từ phía quản lý nhà nước, nên cân nhắc cần định hướng thu hút đầu tư FDI theo vùng, dựa trên lợi thế so sánh và tiềm năng sẵn có của các tỉnh thành mới. Dựa trên cơ cấu nền kinh tế hiện tại, có thể hình dung, vùng ven biển gồm các tỉnh thành Quảng Ninh (giữ nguyên địa giới tỉnh Quảng Ninh), TP.HCM (TP.HCM sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu), Khánh Hoà (Khánh Hoà sáp nhập với Ninh Thuận), Đà Nẵng (Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam)... có thể trở thành trung tâm của công nghiệp cảng biển, logistics quốc tế và năng lượng tái tạo. Vùng trung du và Tây Nguyên nên tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và logistics lạnh. Các hành lang kinh tế trọng điểm như Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Cần Thơ cần ưu tiên các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và trung tâm nghiên cứu.
Hướng tới cuộc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam với động lực phát triển là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nên cân nhắc lựa chọn địa điểm xây dựng các hub về khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ bán dẫn ở các địa phương hội đủ các ưu đãi về tự nhiên và con người. Chẳng hạn, một thung lũng Silicon tại Việt Nam nên được hình thành ở nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, sẵn có hoặc có thể bố trí xây dựng các hạ tầng sinh hoạt, nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện… phục vụ đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đến làm việc.
Khi từng tỉnh thành của Việt Nam đã chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, quá trình này sẽ diễn ra thuận lợi hơn, tránh đi vào “vết xe đổ” của giai đoạn trước: thu hút FDI giá rẻ, công nghệ lạc hậu, và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Song song với đó, Việt Nam cần có giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của dòng vốn FDI mới này.
ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Đối với các nhà quản lý, khi các tỉnh, thành có tiềm năng, lợi thế về kinh tế tương đồng nhập lại, việc đưa ra các công cụ, chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, năng lực quản trị của từng địa phương sẽ phải được nâng lên tương ứng. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Khi các tỉnh có đặc điểm kinh tế – xã hội tương đồng được sáp nhập, cơ hội để hoạch định chính sách tổng thể, đồng bộ và quy mô lớn sẽ được mở ra. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu năng lực quản trị nhà nước được nâng cấp tương xứng.
Đầu tiên, giảm chồng chéo trong thủ tục và quy hoạch, giúp rút ngắn thời gian đầu tư và tăng tính minh bạch.
Thứ hai, tập trung nguồn lực vào các dự án liên kết vùng, thay vì dàn trải theo tư duy địa phương.
Thứ ba, cán bộ lãnh đạo cần có tư duy vùng, tư duy tích hợp, thay vì tư duy nhiệm kỳ hoặc lợi ích cục bộ.
Thứ tư, cơ chế đánh giá, bổ nhiệm cán bộ phải gắn với hiệu quả phát triển liên vùng, không đơn thuần là các chỉ số địa phương.
Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo cần có kiến thức và kinh nghiệm đa ngành – vừa hiểu kinh tế, vừa am hiểu công nghệ và quản trị công.
Câu hỏi cuối cùng, là người đã có kinh nghiệm kinh doanh tại nhiều nước trên thế giới, theo ông, để công cuộc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không tạo thêm gánh nặng và khó khăn cho doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý điều gì?
Nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm trong tái cấu trúc hành chính, từ Nhật Bản với chiến lược sáp nhập làng xã để giảm chi phí công, đến Đức với tái cơ cấu các bang nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư công. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các bài học quý báu từ đó.
Theo đó, một là, cần có lộ trình rõ ràng, minh bạch, tránh gây xáo trộn đột ngột trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Hai là, đồng bộ hóa thể chế từ đầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai và môi trường.
Ba là, thiết lập cơ chế “một cửa liên thông” giữa các khu vực hành chính cũ, giúp doanh nghiệp không phải làm lại toàn bộ thủ tục.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính, nhằm giảm chi phí vận hành, tăng tính linh hoạt và minh bạch.
Cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất, cần lắng nghe phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp. Mọi cải cách dù có lý tưởng đến đâu, nếu không xuất phát từ thực tiễn thì cũng khó có thể bền vững.
Xin cảm ơn ông!