Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, VAMC lại thông báo về đích đúng hạn

Không biết VAMC đã xử lý xong các vấn đề nội tại chưa, nhưng chỉ thấy rằng, đơn vị này lại tiếp tục báo cáo thành tích về sự tích cực trong xử lý nợ xấu, tái cấu trúc tài sản cho các ngân hàng...

vamc-3514.jpeg

Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vấn đề ẩn sâu bên trong hoạt động mà thị trường chưa nhìn thấy, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lại tiếp tục báo cáo thành tích về đích đúng hạn trong năm 2023.

VƯỢT KHÓ VỀ ĐÍCH?

Sáng ngày 17/1/2024, VAMC tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024. Chia sẻ tại Hội nghị, Phụ trách HĐTV - Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VAMC hầu hết đều tăng trưởng cao so với năm 2022.

Cụ thể, về kết quả hoạt động năm 2023, mua nợ theo giá trị thị trường đạt 1.755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022; VAMC đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.

"Đặc biệt, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước giao đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2022. Trong đó, hoàn thành kế hoạch doanh thu, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao", ông Thắng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của lãnh đạo VAMC sau hơn 6 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và 5 năm triển khai kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2019-2023, hoạt động mua bán và xử lý nợ của VAMC đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14, kết quả thu hồi nợ giai đoạn 15/8/2017 đến 31/12/2023 chiếm gần 3/4 kết quả thu hồi nợ giai đoạn 2013-2023; VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường gần 14.000 tỷ đồng giá mua, trong đó, mua nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chiếm gần 95% và xử lý được hơn 79% nợ thị trường đã mua; đã thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC, hoạt động của Sàn giao dịch nợ không ngừng được đầu tư, mở rộng.

Luỹ kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng ký thành viên và cấp user truy cập website cho 216 khách hàng; ký kết 21 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm; đăng tải thông tin các khoản nợ của các tổ chức tín dụng trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng; đăng thông tin tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng.

"LẬT TẨY" THÀNH TÍCH NỢ XẤU

Hồi giữa năm 2023, Thanh tra Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trong đó có nhiều nội dung đáng lưu ý trong kết luận thanh tra này, tuy nhiên những vấn đề ẩn sâu bên trong hoạt động của VAMC.

Theo kết luận về cơ bản, VAMC xây dựng kế hoạch mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng khi căn cứ vào: Nghị định 53/2013 của Chính phủ, Thông tư 19/2013 của Ngân hàng Nhà nước và các quy định có liên quan; số liệu theo dõi nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng; nhu cầu bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng có trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng chủ yếu được tổng hợp trên cơ sở thông tin trao đổi bằng điện thoại giữa VAMC và Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng. Điều này chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan, thiếu các văn bản, tài liệu pháp lý để chứng minh.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc chấp hành quy định về điều kiện tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bán cho VAMC cũng chưa được tuân thủ tuyệt đối. Kiểm tra 13 hồ sơ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tại VAMC, thanh tra phát hiện có một số bất cập, thiếu sót, vi phạm. Một số tài sản bảo đảm tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa đáp ứng điều kiện mua nợ, đó là tài sản phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ theo quy định của Thông tư 19/2013.

Đơn cử như hồ sơ khoản nợ của Công ty TNHH Phúc Quang Hồng Anh tại BIDV; hay hồ sơ khoản nợ nhóm khách hàng Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, Công ty Cổ phần Tư vấn ĐTXD & TM Minh Quân, Công ty Cổ phần Đầu tư Liên Phát, Công ty Cổ phần Tân SUPERDECK - M&C tại MSB…

Một số tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa được định giá bởi tổ chức thẩm định giá độc lập. Như khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư y tế Việt Nam tại BIDV; khoản nợ của Công ty TNHH Hùng Vương Huế tại BacABank; khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An.

Đặc biệt, khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Á Châu tại Sacombank thời điểm cho vay không có tài sản bảo đảm (vay tín chấp). Tuy nhiên, đến thời điểm bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng và khách hàng ký bổ sung tài sản bảo đảm giá trị 2 tỷ đồng/giá trị khoản vay 90,3 tỷ đồng, nhưng vẫn được xác định là đáp ứng điều kiện có tài sản bảo đảm để bán nợ cho VAMC.

Đáng chú ý, năm 2014-2015, VAMC mua 5 khoản nợ của LPBank, dư nợ gốc là 1.032 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ này chưa phải là nợ xấu theo quy định tại Nghị định 53/2013 của Chính phủ. Các khoản nợ VAMC mua nêu trên đã được VAMC và ngân hàng này tất toán vào năm 2018.

Bên cạnh đó, việc theo dõi thu hồi nợ xấu của VAMC chưa sát, để ABBank thu nợ nhưng không nộp kịp thời vào tài khoản của VAMC. Một số tổ chức tín dụng vi phạm quy định về mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt nhưng VAMC chưa xử lý và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý theo thẩm quyền.

Không chỉ dừng lại ở những vấn đề nêu ở trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra một số vấn đề khác diễn ra trong hoạt động mua nợ theo giá thị trường của tổ chức này. Việc mua nợ theo giá thị trường thực hiện từ tháng 8-2017 là chậm so với quy định tại Thông tư 19/2013. Hơn nữa, quá trình mua nợ vẫn chưa tuân thủ đúng, đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá tài sản, quy trình mua bán nợ.

Có thể thấy, theo Thanh tra Chính phủ, hầu như ở mỗi khâu hoạt động, VAMC đều có hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và làm ngơ các quy định trong một số vấn đề. Song như đã nêu bên trên, năm 2023 vừa qua, đơn vị này lại tiếp tục báo cáo về đích đúng hạn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...