Sầu riêng rớt giá, kim ngạch xuất khẩu giảm đến 80%

Sầu riêng Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đầy biến động, rớt giá, thị trường xuất khẩu thu hẹp, kim ngạch giảm đến 80%...

Sầu riêng Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn
Sầu riêng Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả Việt Nam đang đối diện với giai đoạn khó khăn khi kim ngạch giảm mạnh trong hai tháng đầu năm. Đặc biệt, sầu riêng, loại trái cây chủ lực, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu toàn ngành, đã sụt giảm nghiêm trọng. Đến giữa tháng 2, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2024.

Sự siết chặt các quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này. Đặc biệt, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất, đã đưa ra những chính sách kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm việc kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Thêm vào đó, từ ngày 10/1, họ yêu cầu các lô hàng phải có giấy chứng nhận không chứa chất vàng O, một hợp chất có khả năng gây ung thư. Những quy định này đã kéo dài thời gian thông quan, tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tiêu thụ sang thị trường nội địa. Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự thay đổi trong quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc kiểm tra 100% lô hàng và yêu cầu giấy kiểm định chất vàng O khiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng để chuẩn bị thủ tục đầy đủ.

Đáng chú ý, không chỉ Trung Quốc, các thị trường khác cũng gia tăng rào cản kỹ thuật với sầu riêng Việt Nam. Đài Loan đã gia hạn lệnh kiểm tra từng lô hàng sầu riêng nhập khẩu đến ngày 30/4, sau khi phát hiện một số lô hàng không đạt tiêu chuẩn vào tháng 8 năm ngoái. Tại châu Âu, Liên minh EU cũng nâng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 20% do phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Việc thị trường tạm ngưng giao dịch trong thời gian này đã khiến nhiều lô hàng ùn ứ, tác động đến chuỗi cung ứng.

Một trong những vấn đề khác của ngành hàng sầu riêng là phát triển nóng. Theo dự kiến đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000 ha sầu riêng. Thế nhưng, đến nay con số đã vượt 155.000ha, nghĩa là hơn cả gấp đôi so với quy hoạch.

Chính vì thế, khi thị trường có biến động, người bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là nông dân. Những biến động về thị trường thời gian qua khiến bà con bắt đầu dao động. Bởi hầu hết vẫn phải tự tìm đầu ra cho mình. Còn chuyện liên kết vùng trồng để được cấp mã số xuất khẩu, liên kết bao tiêu vẫn còn khá khiêm tốn.

Việc khối lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lao dốc khiến nguồn cung trong nước tăng vọt, kéo giá mặt hàng trái cây này xuống mức thấp kỷ lục. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá thu mua sầu riêng Ri6 đẹp hiện chỉ dao động 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2024. Còn sầu riêng Ri6 xô có giá neo ở mức 55.000-70.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg.

Sầu riêng Thái loại đẹp cũng giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 12/2024, hiện phổ biến ở mức 100.000-120.000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng sầu riêng Thái xô chỉ còn 60.000-100.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 loại I tại khu vực Tây Nguyên thu mua cũng chỉ 65.000-85.000 đồng/kg, rẻ hơn đến 15.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái MonThong cũng giảm 20.000 đồng/kg, còn 70.000-115.000 đồng/kg.

Với mục tiêu phục hồi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, việc siết chặt kiểm soát chất lượng được đặt lên hàng đầu, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đàm phán với Trung Quốc đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại theo quy định trong nghị định thư đã được 2 nước ký kết nhằm loại bỏ các biện pháp bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời Bộ đang chờ phê duyệt thêm 6 hồ sơ để mở rộng khả năng xét nghiệm, góp phần giảm bớt áp lực trong quá trình xuất khẩu sầu riêng.

Cùng với đó, công tác giám sát, cảnh báo và xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao danh tiếng cho nông sản Việt. Ngoài ra, các cơ quan liên quan đang tích cực đàm phán để loại bỏ các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường, đảm bảo sự tăng trưởng ổn định cho ngành xuất khẩu rau quả.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vàng tiếp tục tiến sát mốc kỷ lục

Vàng tiếp tục tiến sát mốc kỷ lục

Giá vàng duy trì được các mốc cao khi thị trường tập trung vào các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như tín hiệu lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Grab Food và ShopeeFood so găng giành vị trí số một trên thị trường giao đồ ăn Việt Nam

Cuộc đua song mã tại thị trường giao đồ ăn Việt Nam

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang trở nên sôi động khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, từ đó hình thành nên cuộc đua khốc liệt giữa các "ông lớn" công nghệ, không ngừng so găng để giành vị trí số một…

Giá xăng, dầu tăng trong tuần này

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng

Trong kỳ điều hành tuần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thời gian áp dụng từ 15h hôm nay...