Táo, một trong những loại trái cây phổ biến nhất, đang đứng trước nguy cơ trở thành mặt hàng khan hiếm tại Hàn Quốc. Người dân nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng được gọi là "lạm phát táo" do sản lượng sụt giảm và giá cả tăng cao.
Nguyên nhân chính là bởi các điều kiện thời tiết cực đoan và quy định nhập khẩu quá nghiêm ngặt. Triển vọng của ngành trồng táo tại Hàn Quốc đang ngày càng trở nên u ám khi những thách thức mà nước này đối mặt gần như không thể giải quyết trong ngắn hạn.
Ông Park Hyoung-su, một nông dân trồng táo ở Hàn Quốc cho biết nhiệt độ ngày càng ấm lên đã buộc ông phải di chuyển lên khu vực phía Bắc nơi có khí hậu mát mẻ và thuận lợi hơn cho việc canh tác. Ông Park tự gọi mình là một “người tị nạn khí hậu” sau khi chuyển từ tỉnh Bắc Gyeongsang đến Gangwon - khu vực lạnh nhất ở Hàn Quốc.
Khi còn làm việc ở quê hương Bắc Gyeongsang, ông Park bất chợt nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong đất do nhiệt độ tăng cao. Hiện tượng này không phù hợp với việc trồng táo, vốn cần môi trường có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 8 -11 độ C (và 15-18 độ C trong mùa sinh trưởng). Ngoài ra, đất bị nung nóng bởi nhiệt độ ban ngày có thể phát nhiệt suốt đêm. Nhiệt độ nóng từ mặt đất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của táo, khiến chúng không lớn hơn được. Ngoài ra, thời tiết nóng hơn còn khiến côn trùng hoạt động mạnh, trong đó, rệp sáp và sâu đục quả xuất hiện khắp nơi, khiến táo bị vứt bỏ ngay khi côn trùng đẻ trứng trên cành cây, ông Park tiếc nuối chia sẻ.
Mặc dù những thay đổi trong điều kiện đất và côn trùng là đáng lo ngại, nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất mà ông Park từng phải đối mặt là vào năm 2016, khi bệnh nấm anthracnose tấn công vườn táo của ông. Anthracnose khiến quả bị thối rữa từ ngoài vào trong và thời tiết nóng ẩm càng thúc đẩy sự lây lan của bệnh. Năm đó, ông Park buộc phải tiêu huỷ toàn bộ vụ mùa táo trên diện tích 5.618 m² đất canh tác tại Bắc Gyeongsang.
Tổn thất này khiến ông Park quyết định chuyển cả gia đình và công việc kinh doanh lên phía Bắc ngay một năm sau đó. Ông chấp nhận thua lỗ trong hai đến ba năm tiếp theo, bởi cây táo cần thời gian tương ứng để phát triển hoàn chỉnh. Dù không thể chắc chắn 100% rằng môi trường tại Gangwon sẽ hoàn toàn thuận lợi cho hoạt động trồng táo, nhưng ông vẫn cho rằng việc chuyển đến đây là xứng đáng sau khi ông ăn thử một quả táo trồng ở Yanggu vào tháng 10. Quả táo chín kỹ, thơm ngon, khác hẳn vị khô cứng thường thấy của táo thu hoạch vào thời điểm này.
Biến đổi khí hậu tại Hàn Quốc đang tiến triển với một tốc độ đáng sợ. Theo dự báo năm 2022 của Cục Phát triển Nông thôn quốc gia, nếu không cắt giảm khí thải carbon, 18,2% diện tích Hàn Quốc sẽ trở thành vùng cận nhiệt đới vào năm 2030.
Tình trạng gia tăng nhiệt độ tại Hàn Quốc cũng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu là 1,09 độ C. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, nó có thể thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt của người nông dân, bất kể họ trồng loại cây nào đi chăng nữa. Xét theo tốc độ hiện tại, chỉ trong 4 đến 5 thập kỷ tới, Hàn Quốc có thể chỉ còn trồng được táo ở tỉnh Gangwon.
Mất mùa liên tiếp đã khiến giá nông sản tăng vọt, gây áp lực gấp đôi, gấp ba lên ngân sách người tiêu dùng. Giới chuyên gia khí hậu và kinh tế cảnh báo, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ vẫn kéo dài chừng nào biến đổi khí hậu còn tiếp diễn.
Đây không phải là một vấn nạn tại riêng Hàn Quốc. Một báo cáo trên tạp chí khoa học Nature đã phân tích chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của 121 quốc gia phát triển và đang phát triển từ năm 1996 - 2021 và kết luận rằng giá lương thực trung bình có thể tăng từ một đến ba điểm phần trăm mỗi năm do “lạm phát khí hậu”.
Trước tình hình sản lượng nội địa giảm sút, nhiều người đã yêu cầu chính phủ đẩy mạnh nhập khẩu táo từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, việc nhập khẩu táo gần như là điều không thể.
Hàn Quốc hiện chỉ cho phép nhập khẩu khoảng 30 loại trái cây như cam, nho và xoài, nhưng chưa từng mở cửa cho táo nhập khẩu. Các quốc gia khác muốn xuất khẩu trái cây tươi vào Hàn Quốc phải vượt qua quy trình kiểm tra 8 bước theo yêu cầu của Luật Bảo vệ Thực vật.
Do mất trung bình tới 8,1 năm để một loại trái cây từ nước ngoài có thể vượt qua toàn bộ quy trình kiểm tra của Hàn Quốc, một số ý kiến đề xuất chính phủ nên đơn giản hóa hoặc bỏ qua quy trình kiểm dịch sâu bệnh để đẩy nhanh việc nhập khẩu. Nhưng có những quan điểm khác cho rằng việc nới lỏng quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao về chất lượng, dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến các loại trái cây nhập khẩu khác, đồng thời tác động tới chuỗi cung ứng táo trong dài hạn.