Ngoài thông tin về cơ sở dữ liệu được cho là của FPTShop, cả mã nguồn của phần mềm khách hàng và phần mềm máy chủ được cho là của chuỗi cửa hàng bán lẻ này cũng đã bị hacker này công bố.
Không những thế, hacker này còn tuyên bố đã có rất nhiều thông tin về cơ sở dữ liệu của FPTShop và nếu muốn lấy cơ sở dữ liệu đó thì liên hệ với hacker này. Tuy nhiên, hacker cho biết nếu liên hệ để lấy cơ sở dữ liệu (database) thì sẽ không bao gồm hướng dẫn cách khai thác dữ liệu.
Theo hacker, cách lấy dữ liệu FPTShop là thông qua phần mềm nội bộ của FPTShop. Thậm chí, hacker đã tuyên bố và công bố cả mã nguồn của phần mềm khách hàng và phần mềm máy chủ cùng với nhiều thông tin được hacker cho là "nhạy cảm".
Hacker cũng "quảng cáo" có rất nhiều thứ thú vị trong dữ liệu mà người này đang nắm giữ. Hacker còn nói rằng đã lưu toàn bộ cơ sở dữ liệu của FPTShop, đồng thời khuyến cáo rằng sau bài đăng, FPTShop có thể đã thay đổi hoặc di chuyển cơ sở dữ liệu của họ sang một vị trí khác.
Vài ngày trước hacker Herasvn cũng đã tung dữ liệu được cho là của Con Cưng lên mạng.
Trước đó, một hacker khác đã tung ra trên diễn đàn này hơn 5,4 triệu email và 31.000 bản ghi lịch sử giao dịch của những người dùng được cho là khách hàng của Thế giới Di động.
Nhưng phía doanh nghiệp này bác bỏ và khẳng định đó là thông tin thất thiệt. Cơ quan có trách nhiệm cũng khẳng định hệ thống thông tin của Thế giới Di động chưa bị tấn công.
Tuy nhiên, nghi vấn website bị hack, để lộ thông tin khách hàng đã khiến cổ phiếu MWG rớt giá, bốc hơi hơn hàng nghìn tỷ đồng những phiên giao dịch sau đó.