Văn bản cũng yêu cầu, các đơn vị phân phối rau, củ, quả tại TP.HCM cung cấp thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng gồm: Danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản từ Lâm Đồng đang cung ứng rau, củ, quả với sản lượng, tiêu chuẩn, chất lượng cụ thể; quy trình nhập hàng rau, củ, quả, các hình thức quản lý và kinh doanh; những điều kiện cần thiết để cung cấp rau, củ, quả Lâm Đồng vào hệ thống bán lẻ…
Việc Lâm Đồng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ sản phẩm rau, củ, quả được thực hiện sau vụ “rau VietGAP dỏm” vào siêu thị gây hoang mang dư luận. Theo đó, nhiều sản phẩm rau, củ, quả đã được “phù phép”, dán mác “VietGAP” rồi đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị tại TP.HCM với giá cao. Trong đó, nhiều sản phẩm lấy nguồn gốc xuất xứ tại tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng là “thủ phủ" rau, củ, quả cung cấp một lượng lớn hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi năm, Lâm Đồng sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, trên 500 nghìn tấn cà phê, 175 nghìn tấn chè búp tươi, hơn 180 nghìn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 175 chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 17.000 hộ dân tham gia, tổng diện tích đạt 24.000 ha, sản lượng đạt trên 337.000 tấn. Với chăn nuôi, tổng đàn tham gia chuỗi đạt 855.000 con, tổng sản phẩm đạt trên 143.000 tấn.
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào khoảng 5.400ha; sản xuất theo 4C, UTZ 80.500ha. Đến nay có 101 doanh nghiệp, hộ dân được gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản (QR Code).
Ngoài ra, Lâm Đồng đã xây dựng, đăng ký cấp 72 mã số vùng trồng cho các sản phẩm như: thanh long, mít, xoài, chôm chôm, dưa hấu và đang trình cấp 10 mã số vùng trồng cho sầu riêng đi thị trường Trung Quốc, đồng thời đang rà soát đăng ký cấp mã vùng trồng cho ớt đi thị trường Malaysia.