Sẽ làm rõ nguyên nhân nâng tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp Báo cáo giữa kỳ nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.
Sẽ làm rõ nguyên nhân nâng tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh

Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, bên cạnh việc rà soát tổng thể các quy hoạch liên quan trong khu vực, bảo đảm sự phù hợp về quy hoạch của dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận chỉ đạo tư vấn tiếp tục củng cố, hoàn thiện hồ sơ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến chính và các nhánh nút giao để xác định sự cần thiết đầu tư, quy mô, thời điểm đầu tư cho phù hợp.

Đồng thời, nghiên cứu, kết hợp hài hòa các phương án tuyến phạm vi từ Km 8 qua kênh Nguyễn Văn Tiếp A để đề xuất thêm phương án tuyến tối ưu, thuận lợi trong quá trình khai thác.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đề nghị tư vấn rà soát các yếu tố kỹ thuật của tuyến Tân Thạnh - Mỹ An, đánh giá khả năng nâng cấp thành tuyến cao tốc theo quy hoạch để hoạch định phương án tuyến kết nối trong giai đoạn hoàn chỉnh; Rà soát, đánh giá vùng hấp dẫn, lưu lượng vận tải khu vực thị trấn Mỹ An để đề xuất phương án nút giao theo từng giai đoạn phù hợp (nút giao đầu tuyến hoặc nút giao với ĐT.846).

Ban QLDA thực hiện rà soát, cập nhật tiến trình áp dụng hình thức thu phí không dừng, kinh phí xây dựng và vận hành trạm thu phí.

Về tĩnh không thông thuyền các kênh Tư Bis và Nguyễn Văn Tiếp A, Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương làm việc cụ thể với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để thống nhất bằng văn bản tĩnh không thông thuyền (6 m) đối với hai kênh nêu trên.

Hai đơn vị cũng phải phối hợp xin ý kiến đối với các nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về giải pháp kỹ thuật triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị: Đề xuất, lựa chọn phương án bảo đảm phù hợp với khả năng cung cấp vật liệu trong khu vực; nghiên cứu khả năng áp dụng phương án kết cấu cầu vòm thép đối với các cầu có khẩu độ nhịp lớn để giảm chiều cao dầm, chiều dài toàn cầu và hạn chế chiều cao đắp phạm vi đầu cầu; nghiên cứu, lựa chọn giải pháp xử lý đất yếu phạm vi đường hai đầu cầu bảo đảm hợp lý về kinh tế - kỹ thuật.

"Để bảo đảm hoàn thành đồng bộ dự án xây dựng tuyến Mỹ An - Cao Lãnh với Dự án tuyến Cao Lãnh - An Hữu, phát huy hiệu quả kết nối, trường hợp phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư do tăng tổng mức đầu tư của dự án, Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn rà soát, có báo cáo giải trình, thuyết minh cụ thể, xác định rõ nguyên nhân dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong đó cần tính toán, cập nhật đầy đủ các yếu tố như: Làn dừng xe khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, giải phóng mặt bằng, trượt giá… để tránh trường hợp phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần”, kết luận nêu rõ.

Trước đó, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn I sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án dài 26km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án hồi tháng 8/2020.

Theo quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản dự án; nhà tài trợ là Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).

Về quy mô, công trình có vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Thời gian thực hiện là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.770 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của EDCF dự kiến khoảng hơn 3.677 tỷ đồng (tương đương hơn 158 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng dự kiến khoảng hơn 1.093 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước (chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành, chi phí giải phóng mặt bằng, dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm