Sợ dịch Covid, ngân hàng thương mại "rục rịch" điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Do tăng trưởng tín dụng sụt giảm mạnh trước tác động mạnh của dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm nay, một số ngân hàng đã phải lên kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.
Sợ dịch Covid, ngân hàng thương mại "rục rịch" điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, kịch bản lạc quan ban đầu của các ngân hàng là dịch chỉ kéo dài đến hết quý I/2020, song hiện nay, lạc quan nhất là phải kéo dài hết quý II/2020. Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý III/2020 hoặc lâu hơn, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 tiếp tục giảm mạnh, dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của NamABank ở mức 800 tỷ đồng, giảm gần 14% so với con số thực hiện trong năm 2019.

Tương tự, tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nêu rõ kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu 9% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. 

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đó là mục tiêu lợi nhuận được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3/2020. Nếu tình hình kiểm soát dịch khó khăn và phức tạp hơn, Ngân hàng sẽ linh hoạt xây dựng kịch bản để báo cáo NHNN. BIDV cũng cho biết, huy động vốn 2 tháng đầu năm 2020 giảm 1,6%, dư nợ tín dụng cũng giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2020 diễn ra đầu tháng 1/2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 12.600 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 13%. 

Trước đó, tại thời điểm kết thúc năm 2019, nhiều ngân hàng đã đưa ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2020 khá cao. Bởi lẽ "Tín dụng vẫn là mảng chủ chốt, duy trì ở mức cao đã giúp nhiều nhà băng đạt được mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm qua.

Chẳng hạn, động lực tăng trưởng chính của Vietcombank năm 2019 đến từ  tín dụng, hay Techcombank cũng là một trong những ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng tín dụng ở mức 18,8%...

Tuy nhiên, thời điểm đó chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh. Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng và chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, một mặt các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận của mình với doanh nghiệp, mặt khác tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.

Không ít ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, có thể nhiều ngân hàng công bố giảm kế hoạch lợi nhuận, bởi doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên sẽ giảm vay nợ.

Hệ quả của tăng trưởng tín dụng thấp

Hiện, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Theo phân tích của TS.Cấn Văn Lực, có nhiều yếu tố có thể làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020. Đầu tiên là như cầu tín dụng của doanh nghiệp giảm khiến lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng giảm, cùng với đó là nợ xấu sẽ gia tăng góp phần "ăn mòn" lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm giảm một phần lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, hoạt động dịch vụ của ngành ngân hàng năm nay cũng có thể sụt giảm. 

Trong đó, dịch vụ bảo hiểm - chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của nhiều ngân hàng những năm gần đây - có thể sẽ giảm, bởi lẽ, bảo hiểm là một trong những chi phí cần cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Dù hoạt động giao dịch trực tuyến có thể khởi sắc, song mức phí thu từ dịch vụ này thấp nên lợi nhuận không đáng kể.

Thực tế, diễn biến giảm mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng kể trên đều tương ứng với đánh giá của NHNN khi bức tranh tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây bất chấp nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra.

Đánh giá về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, ông Lực cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1 - 1,5%, thấp hơn mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm 2019; tăng trưởng tín dụng của cả năm 2020 chỉ ở mức 9 - 10%, thấp hơn nhiều so với mức tăng khoảng 13 - 14% theo định hướng từ đầu năm của NHNN.

Cũng đưa ra nhận định tương tự, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi dịch Covid-19 sẽ tổn hại đến chất lượng tài sản và làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Chẳng hạn, giá bất động sản có thể giảm, gây thiệt hại lớn với các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản của ngân hàng.

Tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, đồng thời quán triệt tinh thần chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ở giai đoạn này, nhiều ngân hàng cho biết họ quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là cho vay mới.

Xem thêm

Xáo trộn lớn trong xếp hạng lợi nhuận ngân hàng

Xáo trộn lớn trong xếp hạng lợi nhuận ngân hàng

Lợi nhuận không phản ánh toàn diện hiệu quả hoạt động của một ngân hàng, nhưng vẫn được xem là một thước đo tài chính để phân định thứ hạng. Năm 2018, bảng xếp hạng này đã có sự xáo trộn lớn.

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...