Soi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp năm 2025

Nhiều doanh nghiệp, sau đà hồi phục tích cực trong năm 2024 đã tự tin đặt ra các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu tăng trưởng hai con số...

Dưới sức nóng của mùa báo cáo tài chính quý 4/2024, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã nhanh chóng hé lộ kế hoạch kinh doanh cho năm 2025. Điểm nhấn chủ yếu là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đi đôi với việc thắt chặt kiểm soát chi phí.

NHIỀU KỊCH BẢN LẠC QUAN

Công ty Cổ phần Dây và Cáp Điện Taya Việt Nam (Cáp TAYA, mã chứng khoán: TYA) - doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, đặt mục tiêu doanh thu 1.966 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần 55 tỷ đồng trong năm 2025. Biên lãi gộp dự kiến đạt khoảng 7,3%. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị cho biết các mục tiêu này có thể được điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh 2024 và tình hình thực tế trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Cáp TAYA đạt 1.338 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng vọt lên hơn 54 tỷ đồng, gấp 24 lần so với năm trước, nhờ tiêu thụ mạnh tại chi nhánh Hải Dương và kiểm soát hiệu quả giá nguyên vật liệu. Với kết quả này, công ty đã vượt 52% mục tiêu lợi nhuận cả năm dù doanh thu mới hoàn thành 84% kế hoạch.

Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài (mã chứng khoán: SPB) - công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ghi nhận một năm 2024 vượt mong đợi với tổng doanh thu ước đạt 1.346 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 55% so với mục tiêu ban đầu.

Nhìn về năm 2025, SPB đặt mục tiêu doanh thu 1.155 tỷ đồng, giảm 14%, nhưng lại kỳ vọng lãi trước thuế tăng đột biến 94% lên 30 tỷ đồng. Công ty cũng lên kế hoạch chia cổ tức từ 5-7%.

Công ty Cổ phần CIC39 (mã chứng khoán: C32) đặt mục tiêu doanh thu gần 585 tỷ đồng cho năm 2025, giảm 7% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng dự kiến tăng 10% lên 14 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến nâng tổng số lao động lên 234 người, đồng thời tăng mức lương bình quân thêm 4% lên 14,3 triệu đồng/tháng.

Năm 2024, C32 ghi nhận doanh thu 627 tỷ đồng, tăng trưởng 27%, cùng lợi nhuận ròng đạt 12,4 tỷ đồng, mặc dù năm 2023 lỗ 18,7 tỷ đồng. Lương bình quân năm 2024 cũng tăng 9%, đạt 13,8 triệu đồng/tháng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (CIDICO, mã chứng khoán: CCI) ước tính doanh thu năm 2024 đạt 445 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm trước, hoàn thành 94% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng tăng mạnh 31%, đạt 32,9 tỷ đồng, vượt 24% mục tiêu đề ra.

Bước sang năm 2025, CCI đặt mục tiêu doanh thu hơn 472 tỷ đồng, tăng 6%, và lợi nhuận ròng đạt 33,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2024 tỷ lệ 16% bằng tiền mặt, tương đương 88% lợi nhuận ròng, và tiếp tục duy trì mức cổ tức này trong năm 2025.

Công ty Cổ phần Gạch ngói Gốm Xây dựng Mỹ Xuân (mã chứng khoán: GMX) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt khoảng 171 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 17,5 tỷ đồng. Trong quý 4/2024, doanh thu dự kiến đạt gần 42 tỷ đồng, mang về lợi nhuận ròng 4,3 tỷ đồng. Tính cả năm 2024, GMX ước đạt doanh thu 165 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch, và lợi nhuận ròng 16,7 tỷ đồng, đạt 69% mục tiêu đề ra.

Công ty Cổ phần Sơn Đồng Nai (mã chứng khoán: SDN) dự kiến kết thúc năm 2024 với doanh thu 123 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 8,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 47% so với năm trước. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 114 tỷ đồng, giảm 8%, cùng lợi nhuận ròng 7,6 tỷ đồng, giảm 13%.

Hội đồng quản trị cũng thông qua kế hoạch giảm lương bình quân năm 2025 xuống còn 11,3 triệu đồng/tháng, giảm 7% so với năm 2024. Đợt tạm ứng cổ tức đầu tiên năm 2024 tỷ lệ 5% bằng tiền, với số tiền 1,5 tỷ đồng, dự kiến chi trả trong quý 1/2025 nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể.

Công ty Cổ phần Tập đoàn CNT (mã chứng khoán: CNT) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 63,6 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận ròng 9,4 tỷ đồng.

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 mới đây, ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) cho biết, năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của công ty ước đạt 11.925 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn tăng nhẹ 1,4% so với năm trước, đạt 1.625 tỷ đồng và vượt 46% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận của công ty mẹ cũng ghi nhận đạt 1.475 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch năm.

Riêng trong quý 4/2024, Viglacera đạt tổng doanh thu 3.641 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 716 tỷ đồng, vượt xa mức lãi 13 tỷ đồng của quý 4/2023.

Hội đồng quản trị Viglacera đã phê duyệt tạm thời kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất là 14.437 tỷ đồng và lãi trước thuế là 1.743 tỷ; tăng lần lượt 21% và 7% so với ước tính của năm 2024. Riêng công ty mẹ, chỉ tiêu doanh thu năm 2025 là 5.579 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.423 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu 28.800 tỷ đồng (bao gồm tiêu thụ nội bộ). Nếu hoàn thành, “ông lớn” ngành chăn nuôi này sẽ xác lập kỷ lục mới về doanh thu trong lịch sử hoạt động, thậm chí gấp hơn 2 lần mức kỷ lục hồi năm 2023 (xấp xỉ 11.000 tỷ đồng). Cùng đó, lợi nhuận trước thuế kế hoạch cho năm 2025 là hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 28,3% so với lợi nhuận tạm ước tính năm 2024 (857 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực dệt may, Tổng công ty Đức Giang - CTCP (mã chứng khoán: MGG) đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số với mức lãi kế hoạch là 29 tỷ đồng, tăng 21% so với ước thực hiện năm 2024. Năm vừa qua, doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ khi lợi nhuận đạt 24 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra.

“THUẬN NƯỚC ĐẨY THUYỀN”

Theo các chuyên gia từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt 25-30%. Xu hướng phục hồi của kinh tế vẫn sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng. Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, kinh tế trong nước năm 2025 đứng trước mục tiêu Chính phủ đề ra là duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao cho giai đoạn 2025-2030. Điều này mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới, với các động lực chính năm 2025, bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư hạ tầng, thu hút FDI và tăng trưởng tiêu dùng.

Xét về động lực xuất nhập khẩu, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, bối cảnh năm 2025 sẽ có các yếu tố bên ngoài khó lường, cùng mức nền cao trong năm 2024, có thể kéo tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 chậm lại, xuống còn 9,5% (năm 2024 là 14,3%).

“Cũng vì vậy, để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, các động lực tăng trưởng trong nước cần được thúc đẩy như tiêu dùng và đầu tư công. Khu vực tư nhân trong nước có thể được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thân thiện hơn, ví dụ như việc cho phép các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) được thực hiện trở lại”, báo cáo của Chứng khoán SSI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để có thể đạt được mục tiêu, chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ hướng đến duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế với các giải pháp mạnh mẽ, hướng tới tất cả các động lực tăng trưởng.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, công tác cải cách thể chế không chỉ đến từ việc tinh gọn bộ máy, giảm khâu trung gian, trao quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương, mà còn đến từ việc chính thức triển khai trên thực tế của hàng loạt văn bản pháp quy được sửa đổi trong cuối năm 2024, đầu năm 2025. Rủi ro trong một thế giới bất ổn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự chuẩn bị với tư duy “vừa làm vừa điều chỉnh” để đối diện với những thách thức này.

Có thể bạn quan tâm