Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán: VOS) vừa gửi HOSE bản giải trình chênh lệch doanh thu và lợi nhuận quý 4/2024 và năm 2024.
Trong quý 4/2024, doanh thu của Vosco ghi nhận 1.373 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng doanh thu, công ty lại phải đối mặt với khoản lỗ sau thuế lên tới 9 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với kết quả lợi nhuận 104 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023.
Giải trình về việc này, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 4/2024 thấp hơn cùng kỳ do thị trường tàu hàng khô và tàu dầu trong quý sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến giá cước và kết quả kinh doanh. Trong khi đó, quý 4/2023, công ty có khoản lãi từ tái cơ cấu tài chính khoảng 84 tỷ đồng và lãi từ bán tàu Neptune Star khoảng 58 tỷ đồng.
Mặc dù việc kinh doanh trong quý cuối cùng của năm bị thua lỗ, nhưng doanh thu và lợi nhuận của Vận tải Biển Việt Nam thắng lớn. Cụ thể, doanh thu lên tới hơn 6.050 tỷ, tăng 78% so với năm 2023. Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế là 335,2 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ, tương đương tăng hơn 190%.
Theo lý giải của VOS, lợi nhuận cao hơn là do công ty có khoản lãi từ bán tàu Đại Minh. Đồng thời, công ty tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp trong hoạt động kinh doanh để tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, kiểm soát kết quả kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn trong khai thác.
Được biết, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 của Vosco vào đầu tháng 12/2024 vừa qua, cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư tàu năm 2024 bao gồm 10 tàu. Như vậy, sau 11 năm không đầu tư tàu, Vosco đã thực hiện kế hoạch mở rộng đội tàu, với giá trị tối đa 414 triệu USD.
Cụ thể, công ty sẽ đầu tư mua 2 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải từ 56.000 đến 58.000 dwt, đã qua sử dụng nhưng không quá 15 năm tuổi, với mức giá tối đa lên đến 23 triệu USD mỗi tàu. Các tàu này sẽ được đóng tại các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Bên cạnh đó, Vosco cũng đặt mục tiêu đóng mới 4 tàu cỡ Ultramax, trọng tải từ 62.000 đến 66.000 dwt, với mức đầu tư tối đa 40 triệu USD mỗi tàu, dự kiến sẽ được đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Việt Nam. Mới đây, công ty cũng đã quyết định đầu tư đóng mới thêm 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR, trọng tải khoảng 50.000 dwt, với mức giá tối đa 52 triệu USD mỗi tàu.
Theo thông tin từ lãnh đạo công ty, nguồn vốn cho các dự án này sẽ được huy động từ cả vốn vay và vốn tự có của doanh nghiệp, với tỷ lệ phân bổ linh hoạt tùy thuộc vào từng dự án cụ thể.
Hiện tại, Vosco đang quản lý và khai thác tổng cộng 13 tàu, với tổng trọng tải lên đến 420.000 dwt. Trong đó, công ty sở hữu 9 chiếc, bao gồm 7 tàu hàng rời, hàng khô, 2 tàu container. Ngoài ra, công ty cũng đang thuê ngoài 4 tàu, bao gồm 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu hóa chất.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, cổ phiếu VOS tăng 1,54%, lên 16.500 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch là hơn 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 35 tỷ đồng.